Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Thứ Năm, 10/10/2024, 12:11
Zalo
Sáng 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan.
Tại hội nghị, đa số các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung các chương, điều của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Để luật sau ban hành có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu đã đóng góp ý kiến các nhóm vấn đề liên quan đến hai dự thảo luật.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Về dự thảo Luật BHYT sửa đổi, các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BHYT hiện hành nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Đại biểu đóng góp cần có quy định rõ hơn về khám, chữa bệnh ban đầu cho người có bảo hiểm y tế; vận chuyển người bệnh; dịch vụ cấp cứu trước bệnh viện. Các vấn đề liên quan đến người nghèo, cận nghèo mắc các bệnh hiểm nghèo. Đối tượng và các hình thức hỗ trợ người hưởng BHYT khi mắc bệnh hiểm nghèo.
Tính đa dạng, linh hoạt của BHYT. Việc tự chủ tài chính của các bệnh viện. Tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế của các bệnh viện, danh mục được hưởng BHYT. Cách thức quản lý bảo hiểm xã hội, BHYT. Chế độ cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh khi tham gia BHYT. Việc chi trả BHYT trong quản lý thai nghén. Thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh theo chất lượng dịch vụ y tế. Nên có quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người đóng BHYT. Cần rà soát, nâng cao chất lượng của dịch vụ BHYT để cạnh tranh với các loại bảo hiểm khác. Có quy định khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở…
Về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sửa đổi, các ý kiến cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung cần tập trung vào các nội dung giám sát, lựa chọn nội dung giám sát, chất vấn; quy định về thời gian, đối tượng giám sát. Quy định về giám sát của HĐND. Cần cân nhắc quy định cứng về giám sát để không ảnh hưởng đến vấn đề cần giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND. Việc giám sát chuyên đề, giám sát về khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Cần có quy định thực hiện thông báo các kiến nghị của HĐND qua giám sát. Có quy định về thời gian, thời hiệu giám sát phù hợp với giai đoạn giám sát. Quy định rõ quy mô giám sát của HĐND các cấp. Quy định rõ hơn về công khai các kết luận giám sát của Quốc hội, HĐND đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả giám sát. Một số vấn đề chưa cần luật hóa cần bổ sung vào các quy định ở các nghị quyết, các văn bản khác cho linh hoạt hơn…
Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị; khẳng định các ý kiến này là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý, thảo luận và phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới. Đồng chí đề nghị các đại biểu nghiên cứu tiếp tục đóng góp bằng văn bản về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi tới cơ quan soạn thảo luật xem xét, quyết định.
* Chiều 10/10, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố.
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động. Việc sửa đổi Luật sẽ đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận về các nội dung: Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; các quy định hỗ trợ việc làm…
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung cơ bản và những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Đồng thời khẳng định việc xây dựng dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sẽ thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ ngân sách cấp dưới được hỗ trợ cho ngân sách cấp trên; quy định rõ hơn về phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến quy định về mức tiền phải trả lãi, hoàn thuế, điều tra vi phạm, xử lý, cưỡng chế nợ thuế, xác định tiền chậm nộp, quản lý thuế thương mại điện tử, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, tăng thu cho ngân sách Nhà nước…
Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị. Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, nghiên cứu, tham gia đóng góp và chuyển tới cơ quan soạn thảo các dự án luật để bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.