Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; Đinh Trịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số sở, ngành của tỉnh.
Thực hiện chương trình công tác năm 2012, với tinh thần dân chủ, đổi mới, nêu cao trách nhiệm trước cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc với nhiều kết quả quan trọng.
Trên lĩnh vực xây dựng pháp luật, Đoàn đã phân công đại biểu chủ động nghiên cứu những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, thu thập ý kiến của cử tri và các cơ quan chuyên môn phục vụ cho việc thảo luận, góp ý kiến vào các dự án luật.
Ngay từ đầu năm, Đoàn đã lựa chọn, hình thành đội ngũ cộng tác viên là những cán bộ có chuyên môn sâu ở các lĩnh vực, có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn để tham gia với Đoàn theo phương thức ký hợp đồng nghiên cứu, góp ý kiến vào các dự án luật. Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại các kỳ họp Quốc hội, ngay sau khi nhận được văn bản dự thảo, Đoàn đã gửi đến các cơ quan có liên quan, các cộng tác viên để lấy ý kiến. Đồng thời tổ chức các cuộc khảo sát việc thi hành chính sách, pháp luật tại một số địa phương, đơn vị trong tỉnh nhằm kịp thời phát hiện những bất cập của chính sách pháp luật hiện hành, những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, góp phần nâng cao chất lượng ý kiến đóng góp của Đoàn tại các kỳ họp.
Với tinh thần đổi mới, công tác tiếp xúc cử tri tiếp tục được đổi mới theo hướng trực tiếp, sâu sát; các cuộc tiếp xúc đều được thông báo rộng rãi, công khai, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri tham dự và trực tiếp phát biểu ý kiến. Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức tiếp xúc cử tri theo đối tượng, theo chuyên đề như tiếp xúc với cử tri là cán bộ hưu trí, hội viên Hội CCB, cán bộ các đoàn thể chính trị - xã hội, đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên; tiếp xúc theo chuyên đề về đất đai, HTX nông nghiệp... Sau mỗi đợt tiếp xúc, Đoàn đã phối hợp với Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan các ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 2, thứ 3 đã được các bộ, ngành Trung ương trả lời và đã được Đoàn thông báo trực tiếp tại các hội nghị xúc cử tri, đăng tin trên Báo Ninh Bình, Đài PT&TH tỉnh.
Về công tác giám sát, Đoàn đã tiến hành 4 cuộc giám sát và ban hành báo cáo giám sát trên các lĩnh vực: thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện chính sách pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường… Thông qua hoạt động giám sát, Đoàn đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội về những vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế.
Trong năm 2012, Đoàn cũng đã nhận được 71 đơn thư, tiến hành phân loại, xử lý và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời công dân và báo cáo kết quả về Đoàn ĐBQH theo đúng quy định của pháp luật.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân, gửi cơ quan soạn thảo theo quy định và làm tư liệu để Đoàn tham gia ý kiến tại kỳ họp Quốc hội.
Tiếp tục thực hiện đa dạng hình thức và đối tượng tiếp xúc cử tri; tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; dành nhiều thời gian cho việc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri. Đẩy mạnh công tác giám sát, khảo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc thực thi chính sách, pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc để trình Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục…
Cũng tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai Nghị quyết liên tịch số 525 về hướng dẫn việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Theo đó, Nghị quyết liên tịch số 525 bao gồm 6 chương, 40 Điều quy định chi tiết trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu đóng góp một số ý kiến với Đoàn liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, chế độ đối với cộng tác viên xây dựng pháp luật, hoạt động tiếp xúc cử tri…
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cảm ơn ý kiến của các vị đại biểu và nhấn mạnh năm 2013 là năm Quốc hội có nhiều hoạt động rất quan trọng như lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận dự án Luật đất đai; thực hiện Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn… đòi hỏi các đại biểu trong đoàn phải đề cao trách nhiệm, phát huy tối đa khả năng của mình trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Đồng chí cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công trách nhiệm cho các phòng, ban chuyên môn đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật nhất là những khó khăn trong lĩnh vực quản lý đất đai, kịp thời thông tin giúp đoàn ĐBQH tỉnh tham gia đóng góp ý kiến với Quốc hội nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Quốc Khang