Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, đại diện một số sở, ngành liên quan, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo với cử tri về chương trình, nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 20-5 đến ngày 25-6-2013. Tại kỳ họp, đối với công tác xây dựng pháp luật Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác. Đối với các vấn đề về kinh tế xã hội, về giám sát, những nội dung được xem xét, thảo luận và thông qua gồm: các báo cáo bổ sung của chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và một số nội dung quan trọng khác. Tại kỳ họp cũng sẽ có các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu như: một số báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ghi nhận những kết quả khả quan về kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình những tháng đầu năm 2013 trong bối cảnh có nhiều khó khăn cả về khách quan và chủ quan. Đồng chí cũng khẳng định đạt được kết quả đó có phần đóng góp quan trọng từ những nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng chí Trần Đại Quang cũng báo cáo với cử tri những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế xã hội của nước ta những tháng đầu năm 2013. Theo đó, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tăng khá; lạm phát giữ ở mức thấp; công tác an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Tuy nhiên, trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt: Kinh tế thế giới chuyển biến chậm, tổng cung và tổng cầu trong nước đều giảm, tăng trưởng quý I năm nay chủ yếu do đóng góp của khu vực dịch vụ, nhưng mức tăng của khu vực này chưa phải là cao và thường ảnh hưởng của yếu tố tăng lương nên thiếu sự ổn định. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn khó, tồn kho sản phẩm vẫn ở mức cao... Trước tình hình đó, ngày 07 tháng 01 năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinhdoanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hộicả năm. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn cho vay phục vụ sản xuất và xuất khẩu cùng những mục đích ưu tiên khác theo quy định. Tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn để mọi đối tượng được vay đều tiếp cận vốn dễ dàng, tiện lợi nhất. Quản lý, kiểm soát nguồn tiền gửi và tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại để dòng tiền được sử dụng đúng mục đích theo chức năng được quy định đối với ngân hàng, đồng thời giảm lãi suất cho vay tương ứng với giảm lãi suất huy động...
Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ cử tri đã nêu các kiến nghị, đề xuất về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, trợ giúp phát triển doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương. Bởi hiện nay các doanh nghiệp này vẫn đang phát triển tự do chưa có sự tư vấn, hướng dẫn, quản lý của nhà nước trong định hướng phát triển. Minh chứng cho đề xuất này, cử tri đã nêu thực trạng đa số các doanh nghiệp khi thấy lĩnh vực kinh doanh nào có lợi nhuận thì đua nhau đầu tư, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế nói chung. Đồng thời cử tri cũng cho rằng nếu cơ quan chuyên trách này được thành lập sẽ là nơi để doanh nghiệp đề xuất, báo cáo những vấn đề doanh nghiệp cần được trợ giúp. Một số ý kiến khác đề xuất việc cơ quan chuyên trách quản lý và trợ giúp phát triển doanh nghiệp đứng ra tổ chức khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo Nghị định 56 của Chính phủ. Để việc khảo sát đạt hiệu quả cao, cơ quan này cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Căn cứ vào kết quả khảo sát, phân loại nhà nước mới có thể đưa ra các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp sát thực tế nhất.
Bên cạnh đó, trước thực trạng những tháng đầu năm 2013 đầu tư tín dụng vẫn ở mức tăng trưởng âm, cử tri đề nghị: Tăng cường quản lý Nhà nước về thực hiện Luật Kế toán, Luật Thống kê đảm bảo yêu cầu minh bạch, kịp thời về số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp giúp cho ngân hàng có cơ sở chính xác, chắc chắn trong việc thẩm định tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xem xét đầu tư tín dụng cho vay. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh việc thực hiện cấp giấy chứng nhận và đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn với quyền sử dụng đất để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. Đề nghị thành lập quỹ bảo lãnh của nhà nước cho các doanh nghiệp, tổ chức vay vốn ngân hàng. Đề nghị chính phủ tiếp tục giảm, miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh…
Ngoài ra các cử tri cũng đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương được cấp phép khai thác mỏ đối với các đơn vị tạm dừng cấp phép theo theo Nghị quyết số 91/NĐ-CP, giúp các đơn vị phục hồi và duy trì hoạt động. Đề nghị đơn giảm thủ tục hành chính đối với việc xin cấp phép khai thác những mỏ có quy mô nhỏ và đơn giản.
Tại hội nghị, các cử tri cũng nêu đề xuất, kiến nghị về một số vấn đề quan trọng khác như: các chính sách giảm giá cho thuê đất, về thực hiện giảm lãi suất vay ngân hàng, về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn…
Sau khi nghe 7 ý kiến phát biểu tại hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu giải trình, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của cử tri. Đồng chí nhấn mạnh: các ý kiến đã cho thấy tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân Ninh Bình trong việc nỗ lực giải quyết những khó khăn của nền kinh tế cả nước cũng như của địa phương. Lãnh đạo tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xin chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội nghị và các ý kiến được gửi bằng văn bản về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí đại biểu quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham gia đóng góp tại kỳ họp sắp tới. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Duy Hiền