Dự hội nghị tiếp xúc có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng uỷ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị của tỉnh…
Tại hội nghị tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin khái quát Kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, sau 35 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, trên cơ sở chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng và sắp xếp chương trình khoa học, hiệu quả, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 2031, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thông tin đến cử tri về số lượng, cơ cấu của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất tỉnh. Theo đó, tại Nghị quyết số 1702, ngày 24/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị: Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Bình gồm 20 đại biểu Quốc hội. Chỉ định đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Ninh Bình...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại diện cử tri đánh giá cao những quyết sách tại Kỳ họp thứ 9 cũng như hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, góp phần vào thành công của Kỳ họp. Đồng thời cử tri cũng bày tỏ những băn khoăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn mong muốn Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân tới diễn đàn Quốc hội.
Theo đó, cử tri phản ánh trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần sớm được quan tâm giải quyết. Trong đó, cử tri đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về chính sách, chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp, đặc biệt là đối với các chức danh bị dôi dư hoặc phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Đồng thời cần sớm có văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ hỗ trợ một lần đối với người hoạt động không chuyên trách không có nguyện vọng tiếp tục tham gia công tác để UBND cấp xã triển khai thực hiện. Đề nghị sớm ban hành hướng dẫn về hoạt động của các tổ chức quần chúng do Đảng - Nhà nước giao nhiệm vụ.
Liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp, cải tạo mặt đường gom dân sinh tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đề nghị Trung ương cần có chính sách đột phá về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã. Đặc biệt, cần có chính sách thu hút, giữ chân đội ngũ y, bác sĩ có trình độ về công tác tại tuyến y tế cơ sở.
Bày tỏ băn khoăn về các loại bánh kẹo, nước đóng chai và thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh bán trên thị trường, cử tri đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình hiện nay; đồng thời đề nghị ngành chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường truyền của các nhà mạng, đồng bộ dữ liệu quốc gia, sử dụng nền tảng số hóa dễ hiểu, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để người dân nắm bắt và sử dụng công nghệ số thành thạo, đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng của người dân và doanh nghiệp được thuận lợi.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị liên quan đến việc điều chỉnh giá đất giữa các địa bàn sau sáp nhập. Đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm công nhận phường Tây Hoa Lư là phường An toàn khu, để người dân của phường được hưởng các quyền lợi trực tiếp như bảo hiểm y tế…
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của cử tri. Đồng thời thông tin với cử tri, nhân dân về một số kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh 6 tháng đầu năm 2025.
Trong đó nêu rõ: 6 tháng đầu năm, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự điều hành sâu sát, quyết liệt của chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của Nhân dân tỉnh; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nổi bật: Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) tăng 10,82% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4/34 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 34.470 tỷ đồng, đạt 48% dự toán, tăng 193% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 22,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 6 tháng đầu năm đạt gần 72,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,52% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục thu hút đông đảo nhân dân và du khách; 6 tháng đầu năm đạt 14 triệu lượt khách (trong đó: 12,84 triệu lượt khách nội địa; 1,16 triệu lượt khách quốc tế).
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh chú trọng chăm lo an sinh xã hội. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.391 hộ, trong đó, có 1.457 hộ xây mới, 934 hộ sửa chữa nhà ở; đến nay đã hoàn thành 1.305 hộ xây mới, đạt 89,5% và 896 hộ sửa chữa, đạt 95,9%, phấn đấu trong tháng 7 không còn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình mới có 129 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 269 đơn vị hành chính cấp xã); từ ngày 1/7/2025, bộ máy của tỉnh Ninh Bình mới đã đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, không bị gián đoạn công việc...
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời lưu ý: Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kế thừa và phát huy kết quả đạt được, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cần thực hiện đó là: Tập trung điều chỉnh quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng tâm, trọng điểm kết nối Nam Định, Hoa Lư, Phủ Lý; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm đạt mục tiêu thu ngân sách năm 2025. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thu hút các nhà đầu tư; ban hành các cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hoá 4 Nghị quyết được Bộ Chính trị xác định là “Bộ tứ trụ cột”. Tiếp tục duy trì sản xuất theo kế hoạch huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ban hành các cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Tiếp thu ý kiến của cử tri, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã trao đổi làm rõ một số kiến nghị như: Việc bố trí cán bộ dôi dư sau sắp xếp, nhất là việc sử dụng cán bộ có năng lực; việc đề nghị tách Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh Hoa Lư; việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng phường Hoa Lư; về hoàn thiện chính sách, chế độ cho cán bộ cấp xã; về đầu tư nâng cấp tuyến đường gom dân sinh chạy dọc hai bên tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tốc độ cao; về nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển đổi số; việc sớm công nhận phường Tây Hoa Lư là phường An toàn khu; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thống nhất trong toàn tỉnh sau hợp nhất; chính sách đột phá về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã; các giải pháp phát triển du lịch…
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.