Phát biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật về Hội, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng ý với việc cần thiết phải ban hành Luật nhằm bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập Hội theo quy định của Hiến pháp, đồng thời bảo đảm cho các Hội phát triển đúng hướng, lành mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về hội viên. Về chính sách, cần quy định rõ Hội nào được hỗ trợ, Hội nào không được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc "khuyến khích tổ chức, cá nhân là người nước ngoài tham gia hỗ trợ hoạt động của các tổ chức Hội", nhằm tránh sự chi phối của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với các hoạt động Hội.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Phương, một số đại biểu tham gia thảo luận tổ cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách cụ thể đối với các tổ chức Hội.
Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ trong Luật chủ trương của Đảng là: "Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016.
Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao" mà không đặt vấn đề tiếp tục cấp kinh phí hoạt động, không giao biên chế cho các tổ chức Hội...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Luật phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập Hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các Hội, nhất là tự trang trải kinh phí hoạt động, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng "hành chính hóa" tổ chức và hoạt động của Hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về Hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Thảo luận ở tổ về Dự án luật Dược (sửa đổi), đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình) cho rằng việc quy định về đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề dược (điều 11 Dự thảo) là một bước tiến nhằm chuẩn hóa người hành nghề dược so với quy định của Luật Dược hiện hành.
Tuy nhiên, 3 nhóm đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vẫn chưa bao phủ hết số người làm chuyên môn dược hiện nay.
Vì vậy, để từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác dược, đại biểu đề nghị cần bổ sung đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề cũng như các quy định cụ thể liên quan đến việc cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề và quyền, nghĩa vụ của người hành nghề dược.
Về việc quản lý thực phẩm chức năng, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm đối với việc thông tin, quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc, quản lý thuốc được đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng; cần quy định chặt chẽ, minh bạch về việc đăng ký sản phẩm là thực phẩm chức năng và sản phẩm là thuốc.
Đồng thời phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý giá thuốc theo hướng Bộ Y tế là cơ quan đầu mối trong quản lý giá thuốc, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và UBND cấp tỉnh là các cơ quan phối hợp tực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc, như vậy việc quản lý giá thuốc sẽ hiệu quả hơn...
Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản. Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạngvới 85,83% đại biểu tán thành.
Theo đó, Luật an toàn thông tin mạng gồm 8 chương, 54 Điều. Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin mạng tại Việt Nam. Và Luật an toàn thông tin mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Mai Lan