Dự hội nghị có đồng chí Đinh Chung Phụng,
TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Phương,
TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII, đại diện các Ban của HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các Hội, đoàn thể liên quan; đại diện Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và
đại biểu cấp xã.Tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: 2 dự án luật được xây dựng có nhiều điểm mới với những nội dung rất quan trọng đối với thực tiễn đời sống xã hội. Do đó rất cần có các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự án luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ thuộc lĩnh vực BHXH và Mặt trận tổ quốc Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH của đất nước trong giai đoạn mới.
Các ý kiến tại hội nghị thống nhất cho rằng Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi lần này khá chi tiết, đầy đủ nội dung về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò, vị trí, chức năng của MTTQ Việt Nam; đồng thời có nhiều nội dung mới. Kỹ thuật lập pháp mạch lạc, dễ hiểu.
Đối với dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, tại Chương I, Điều 1, một số ý kiến cho rằng nên bổ sung thêm "lực lượng vũ trang" vào đoạn "MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội...". Về Điều 2, Điều 3 nên gộp chung vì phạm vi điều chỉnh nên gắn kết với nhiệm vụ của MTTQ là hợp lý. Điều 10 nên đưa rõ hơn về cơ quan lãnh đạo của MTTQ Việt Nam. Việc thể chế hóa các quy định từ dự án luật cũng cần nêu rõ về chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tại Chương VI, Chương VII trong đó phải nêu rõ hơn về khái niệm, nguyên tắc giám sát, đối tượng, nội dung giám sát, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động giám sát.
Đối với dự án Luật BHXH các ý kiến cơ bản nhất trí với kết cấu, bố cục của dự án luật, đồng thời đóng góp thêm một số nội dung như: Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH là điều cần thiết, trong đó 2 đối tượng BHXH tự nguyện và bắt buộc cần được làm rõ hơn theo đúng đối tượng, để mang tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Cụ thể tại Điều 2 nêu: Lao động từ 1 đến 3 tháng phải thực hiện đóng BHXH bắt buộc, trên thực tế đây là thời gian mới thử việc, nên lao động chưa có tính ổn định, người sử dụng lao động khó thực hiện. Hoặc đối tượng lao động hợp đồng thời vụ phải tham gia BHXH bắt buộc là không khả thi vì mang tính thời vụ nên lao động có thể làm ở nhiều nơi, rất khó cho việc thực hiện và quản lý…
Dự án luật cũng nên xem xét đến việc điều chỉnh đối tượng người hoạt động không chuyên trách được đóng bảo hiểm bắt buộc vì đối tượng này còn có sự cống hiến, phát triển trong công tác… Ngoài ra các ý kiến cũng đề cập việc bổ sung làm rõ về chế độ hưu trí, điều kiện được hưởng lương hưu, cách tính lương hưu, mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp và sẽ có những kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII tới.
Đào Duy-Thế Minh