Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn Ninh Bình trong 8 tháng qua. Theo đó trên địa bàn hiện có 12 chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại hoạt động an toàn, hiệu quả, không có tình trạng phải áp dụng kiểm soát đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống ngân hàng luôn bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, duy trì việc thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trên địa bàn Ninh Bình. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Ninh Bình đến hết tháng 8/2014 đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, tăng trên 23% so cùng kỳ, tổng dư nợ cho vay trên 35 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (chiếm khoảng 1,2% tổng dư nợ cho vay), các ngân hàng và tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc về cơ chế lãi suất, dư nợ đối với một số chương trình tín dụng như cho vay phát triển nông nghiệp phát triển nông thôn đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so đầu năm.
Trong đó dư nợ cho vay đối với 31 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt gần 1.600 tỷ đồng, ngoài ra các khoản dư nợ vay xuất khẩu, dư nợ vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dư nợ phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, các dự án lớn của tỉnh, dư nợ cho vay hộ nghèo, và các đối tượng chính sách đều có mức tăng khá.
Bên cạnh đó các tổ chức tín dụng còn thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, phát triển mạng lưới, tham gia công tác an sinh xã hội, thực hiện chương trình cho vay theo chuỗi liên kết, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, các Ban, Ủy ban MTTQ tỉnh làm rõ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tiếp thu và trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri theo đúng quy định của pháp luật và theo lĩnh vực ngành…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh đến việc cần thiết duy trì chế độ thông tin chia sẻ giữa các ngân hàng với nhau, thông tin ngân hàng với doanh nghiệp, cử tri và với đại biểu Quốc hội tỉnh để tạo sự đồng thuận, cùng nhau tìm giải pháp thích hợp vượt qua khó khăn, thử thách.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ghi nhận vai trò, tầm quan trọng ngành Ngân hàng nói riêng, lĩnh vực tài chính nói chung trong việc giữ sự ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương. Trong đó, hoạt động ngân hàng và tài chính là lĩnh vực nhạy cảm của cả nền kinh tế quốc gia và mỗi địa phương. Ở Ninh Bình, hoạt động nghiệp vụ ngân hàng được duy trì và đảm bảo mục tiêu "an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững" của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Về một số chương trình kết nối cho vay được thực hiện khá hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các ngân hàng thương mại thực hiện định kỳ, trở thành chương trình thường niên, gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, đánh giá cao kết quả thực hiện công tác an sinh xã hội mà các ngân hàng đã và đang thực hiện tại các địa phương trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gợi mở về việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Ninh Bình trong thời gian tới, định hướng về nguồn tiền, dòng tiền đối với các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng xuất khẩu...là điều mà các chuyên gia về tài chính, về ngân hàng bám sát, chuẩn bị cho chiến dịch đầu tư, hoạt động trong những năm tiếp theo.
Minh Đường-Đức Lam