Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Căn cước công dân
Thứ Năm, 11/05/2023, 11:32
Zalo
Thực hiện chương trình công tác xây dựng pháp luật khóa XV và để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 11/5, Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (ĐBQH) tỉnh đã có buổi khảo sát việc thi hành Luật Căn cước công dân tại Công an tỉnh. Đoàn do đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Căn cước công dân
Theo đánh giá của Công an tỉnh, qua 7 năm triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: việc có quá nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước.
Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát.
Chưa có quy định về việc xác định, quản lý, định danh công dân trên môi trường điện tử nên gây khó khăn trong phát triển các tiện ích, triển khai dịch vụ công, quản lý các giao dịch điện tử, chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.
Chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam...
Từ thực tế thi hành Luật, Công an tỉnh kiến nghị: Bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân (qua chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân và mã QR code) để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Bổ sung quy định một số nhóm thông tin đối với công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; định danh điện tử; cấp, hủy số định danh của cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Đại biểu Công an tỉnh nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Căn cước công dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nảy sinh trong quá trình thi hành Luật. Đồng thời tập trung góp ý vào một số nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật Căn cước công dân dự kiến được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV như: về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo; nguyên tắc quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; người được cấp thẻ căn cước công dân; các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thời hạn cấp, cấp đổi lại thẻ căn cước…
Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh phát biểu kết luận buổi khảo sát.
Kết luận buổi khảo sát, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị của Công an tỉnh, thông qua buổi khảo sát đã giúp các thành viên trong Đoàn có cách nhìn toàn diện về việc thi hành Luật Căn cước công dân, làm cơ sở để đại biểu nghiên cứu, tiếp thu để tham gia góp ý tại kỳ họp tới.
Đồng chí cũng đề nghị Công an tỉnh tiếp tục tham gia góp ý những nội dung của dự thảo Luật Căn cước công dân, góp phần hoàn thành dự thảo, bảo đảm khi Luật được Quốc hội xem xét, thông qua có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.