Dự buổi giám sát có đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo thành phố Ninh Bình, huyện Nho Quan.
Thời gian qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình đã tập trung làm tốt, triển khai thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân đối với công tác thương binh liệt sỹ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 25.400 người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi.
Trong đó có khoảng trên 20.000 lượt đối tượng gồm người thờ cúng liệt sỹ, bảo hiểm y tế cho thân nhân người có công, tuất thương bệnh binh từ trần, trợ cấp người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người phục vụ mẹ Việt Nam anh hùng, người bị nhiễm chất độc hóa học 81% trở lên… được thụ hưởng ưu đãi tăng thêm, tạo điều kiện nâng cao mức sống, đời sống vật chất của các đối tượng, để mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống của khu dân cư.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng, UBND tỉnh đã phê duyệt đề hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn với 2.247 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ 68,4 tỷ đồng. Tỉnh Ninh Bình cũng thực hiện tốt việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, giải quyết vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng.
Thực hiện chính sách ưu đãi trong giáo dục, tỉnh đã xét duyệt và cấp sổ ưu đãi giáo dục cho 14.389 người, hàng năm số kinh phí chi trả trên 35 tỷ đồng. Đối với việc công nhận và thực hiện chính sách mới đối với bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo quy định của pháp lệnh số 05, toàn tỉnh có 85 mẹ được phong tặng, 441 mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu phát biểu ý kiến kiến nghị, đề xuất một số vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cần quan tâm giải quyết như: Khi có chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng cần có đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đề nghị bổ sung thêm biên chế cán bộ làm công tác chính sách người có công nhất là ở cấp xã để thực hiện kịp thời theo thời hạn quy định. Đề nghị giải quyết chế độ chính sách đối với những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin bị mất giấy tờ; chế độ chính sách đối với thế hệ thứ 3 của người bị nhiễm chất độc hóa học…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 494, Pháp lệnh số 04, Pháp lệnh số 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua trên địa bàn tỉnh là nghiêm túc, kịp thời, bài bản và đạt kết quả khá tốt. Trong quá trình thực hiện, tính nghiêm túc, công bằng được tổ chức triển khai ngay từ cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách người có công trên địa bàn tỉnh đều tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện được sự tri ân đối với người có công. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu để trình lên Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Điểm nổi bật qua giám sát tại cơ sở và buổi làm việc tại UBND tỉnh là Ninh Bình đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 494, Pháp lệnh số 04, Pháp lệnh số 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các đối tượng được hưởng chính sách và nhân dân trong tỉnh đều phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với người có công. Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu sẽ được đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo với Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.
Hồng Vân