Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng của đất nước được xem xét thảo luận và thông qua. Để phát huy trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý, xây dựng các dự án luật cũng như tham gia ý kiến tại các diễn đàn trong chương trình Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, phân công đại biểu trong Đoàn tập trung làm tốt công chuẩn bị các nội dung như: Phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lấy ý kiến đóng góp của cử tri trực tiếp vào các nội dung của kỳ họp. Đồng thời, Đoàn tổ chức nhiều hội nghị và làm việc trực tiếp với các ngành hữu quan của tỉnh để lấy ý kiến đóng góp xây dựng các dự án luật được thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp. Đặc biệt, Đoàn đã đẩy mạnh việc lấy ý kiến chuyên gia tham gia vào những nội dung quan trọng, ảnh hưởng rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân của luật để làm cơ sở cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Đoàn cũng đã tổ chức họp với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các ngành, cơ quan có liên quan để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015, hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh và những ý kiến, kiến nghị cử tri trong tỉnh được Ủy ban MTTQ tỉnh tập hợp để gửi tới Quốc hội... Do đó, nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri tỉnh Ninh Bình cũng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Tham gia tại kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp trí tuệ trong việc biểu quyết các dự án luật hoặc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự, các vấn đề về bảo đảm quốc phòng - an ninh và chính sách đối ngoại…
Đoàn cũng đã tích cực tham gia ý kiến vào Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Tham gia đóng góp vào các báo cáo trên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực có nhiều khó khăn đã tác động đến Việt Nam, song với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng băn khoăn về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, về giới hạn nợ công trong mức an toàn... Đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần tập trung hướng dẫn kế hoạch phân bổ đầu tư công trung hạn để các địa phương chủ động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời đề nghị trong năm 2016, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó dành nguồn kinh phí đầu tư nhiều hơn cho việc tổ chức lại sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng có liên quan đến tổ chức sản xuất, nhằm giảm sự đóng góp cũng như những khó khăn cho người nông dân... ý kiến kiến nghị, đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, với tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng, nhất là những vấn đề về chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có tầm chiến lược, có tính đột phá để góp phần hoàn thiện các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Tham gia có hiệu quả vào các Báo cáo, Dự thảo luật, các Nghị quyết như: Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Nghị quyết về ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); về thực hiện chế định Thừa phát lại; về phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); dự án Luật về Hội; dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng; dự án Luật Dược...
Trong kỳ họp, ngoài những đóng góp vào các hoạt động, chương trình nghị sự của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ thời gian bên lề, ngày nghỉ, giờ nghỉ để tiếp xúc, làm việc với các bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị đối với tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã khép lại với nhiều dấu ấn tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được nhân dân đánh giá cao. Ông Phạm Trọng Hải (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi rất tâm đắc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề "nóng" được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ cho các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ như: vấn đề sản xuất nông nghiệp, về thu phí đường bộ, năng suất lao động, môi trường, vấn đề tham nhũng, lãng phí, quản lý thị trường, bộ máy chính quyền, thủ tục hành chính, vấn đề chủ quyền biển đảo, vấn đề nợ công, về cải cách giáo dục, về phát triển du lịch...
Đây là những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm và đã được đưa ra tại phiên chất vấn để các đại biểu phân tích, xem xét dưới nhiều góc độ. Dù vẫn còn nhiều vấn đề mà các thành viên Chính phủ trả lời chưa được thỏa đáng, nhưng tôi cho rằng việc đại biểu Quốc hội nêu lên vấn đề chất vấn đã là một thành công và nó đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri.
Cũng cần phải nói thêm rằng, qua theo dõi kỳ họp, tôi và nhiều cử tri trong tỉnh vui mừng trước những kết quả của kỳ họp về công tác lập pháp, công tác giám sát của Quốc hội..., thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.
Mai Lan