Chiều 10/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp Ảnh: P.V
Tại tổ đại biểu Quốc hội ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Đồng Nai, các đại biểu đều đồng tình với phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này của Luật phòng, chống ma túy về các vấn đề: trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy của một số Bộ, ngành; quy định cụ thể hơn các biện pháp, hình thức, thời gian cai nghiện cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp phòng, chống tái nghiện…
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao Nghị quyết đã mở ra một hướng đi mới trong công tác quản lý cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy, thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với những người nghiện. Hàng vạn người đã được cai nghiện, được học tập nâng cao trình độ, rèn luyện nhân cách, được học nghề, tạo việc làm, tạo mọi điều kiện tái hòa nhập cộng đồng…
Các đại biểu trong tổ cũng làm rõ một số vấn đề: Đối với việc quy định hai hình thức cai nghiện là tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và bắt buộc, cần quy định cụ thể đối tượng nào thuộc diện cai nghiện bắt buộc, đối tượng nào áp dụng hình thức tự nguyện? Thời gian cai nghiện nên kéo dài hơn so với dự thảo. Vấn đề quản lý sau cai nghiện, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của gia đình, của chính quyền cơ sở...
Bùi Diệu