Để chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong tỉnh, tổng hợp ý kiến, kiến nghị củacử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trên các nhóm lĩnh vực: quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với thị trường nguồn nhân lực; nghiên cứu, sửa đổi quy định hiện hành để lực lượng quân đội tham gia nhiều hơn nữa trong việc quản lý và bảo vệ rừng; quản lý chặt chẽ tình hình giá cả, thường xuyên thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tránh độc quyền về giá; chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là cần kéo dài hơn nữa thời gian áp dụng chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đình Nam
Trong các buổi làm việc tại hội trường và tại tổ, các đại biểu trong Đoàn đã tích cực tham gia thảo luận, chuyển tải khách quan tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà cử tri quan tâm đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm vào hầu hết các vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp.
Trong đó, nhiều ý kiến nhận được sự đồng tình cao của cử tri cả nước, được Ban soạn thảo của Quốc hội ghi nhận và tiếp thu. Góp ý vào Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013, đại biểu Bùi Văn Phương đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc nền kinh tế chuyển nhanh từ trạng thái nhập siêu lớn trong nhiều năm sang xuất siêu trong khi cơ cấu giữa các khu vực kinh tế, cơ cấu ngành hàng và cơ cấu thị trường chưa được cải thiện nhiều, chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn so với kế hoạch đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Theo đại biểu, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2013, Quốc hội cần phải xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 cho phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Tập trung bắt tay ngay vào việc xây dựng một số chính sách trong thời gian trung hạn (2013-2015) để giữ vững sự ổn định của nền kinh tế. Chính phủ cần điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng một cách thận trọng, theo sát diễn biến thực tế, trên tinh thần kiên định mục tiêu tổng quát "kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".
Đặc biệt, cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể thực hiện phương thức bán hàng trả chậm để giải quyết hàng tồn kho và kích thích tiêu dùng làm tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Các ngân hàng tiếp tục phân loại doanh nghiệp, phân loại nợ trên tinh thần xem xét tính khả thi của các dự án trong tương lai, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn, coi sự phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị các bộ, ngành rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, trên cơ sở đó lựa chọn các dự án trọng điểm, công trình dở dang để tiếp tục bố trí vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư…
Một nội dung rất quan trọng được Quốc hội thực hiện tại kỳ họp lần này là công tác lập pháp với những dự án Luật được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp...
Nhằm tích cực tham gia đóng góp cho việc xây dựng các dự án Luật, trước kỳ họp Đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp, Đoàn luật sư, Hội Luật gia tỉnh tổ chức các buổi hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà thực thi pháp luật, cán bộ tư pháp… và các tầng lớp nhân dân đối với các dự án Luật.Trên cơ sở đó, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các dự án Luật đảm bảo sát với điều kiện thực tiễn, đáp ứng được mong đợi của các tầng lớp nhân dân và yêu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Lưu Thị Huyền đề nghị nên tiếp tục lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đại biểu thì tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Mỗi đại biểu với thế mạnh của mình đi sâu vào từng khía cạnh, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc bày tỏ sự đồng tình cao với quy định thành lậpQuỹ phòng, chống thiên tai, trong đóngân sách nhà nước giữ vị trí chủ đạo. Trên cơ sở đó, đề nghị Dự thảo cần quy định rõ về nguồn ngân sách nhà nước chi hàng năm cho phòng, chống thiên tai và việc phân bố nguồn ngân sách cho hoạt động phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, đại biểu cũngđề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định về việc thành lập, nguyên tắc, cơ chế đóng góp; phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng; quy định các đối tượng được miễn trừ đối với các vùng thường xuyên chịu thiệt hại do thiên tai, vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh việc thảo luận đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước, các đại biểu trong Đoàn còn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đánh giá khách quan về khả năng, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của các cán bộ giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước.
Nhận xét vềhoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, cử tri Lê Thái Hòa, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) đã bày tỏ: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và nhận thấy các đại biểu Ninh Bình đã tích cực tham gia các nội dung của kỳ họp, nhất là nội dung thảo luận về các vấn đề cử tri quan tâm. Tôi mong rằng ở các kỳ họp sau, Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chuyển tải khách quan, trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tham gia tích cực vào công tác lập pháp, hoạch định các chính sách lớn của đất nước, đáp ứng sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân trong tỉnh".
Cũng như cử tri Lê Thái Hòa, nhiều cử tri trong tỉnh mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều đánh giá cao hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 5 lần này. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên thành công của kỳ họp. Một trong những kỳ họp được đánh giá là sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Ngọc Tân