Cùng tham gia đoàn có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan. Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, UVTƯ Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC, đơn vị thực hiện triển khai Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử...
Thời gian qua, việc xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng chính quyền điện tử tiếp tục được quan tâm đầu tư, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đã cơ bản được đáp ứng; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được chú trọng tăng cường; các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh được vận hành ổn định, an toàn phục vụ tốt cho công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hiện hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị với hơn 8.600 tài khoản người dùng, tỷ lệ sử dụng thường xuyên đạt trên 88%.
Nhiều đơn vị đã thực hiện việc chữ ký số, chuyển, nhận văn bản điện tử trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả với hơn 2.800 thủ tục, trong đó, có trên 1.000 thủ tục mức độ 3, mức độ 4.
Tổng số hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh từ năm 2018 đến nay là gần 230.000 hồ sơ, trong đó có gần 9.000 hồ sơ trực tuyến. Năm 2018, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tăng 34 bậc so với năm 2017, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành cả nước.
Đây là yếu tố quan trọng, then chốt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Đoàn công tác của tỉnh thăm quan mô hình Quốc hội điện tử.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh đã được nghe đại diện tập đoàn AIC giới thiệu khái quát về mô hình đô thị thông minh và mô hình Quốc hội điện tử với những tính năng ưu việt, thông minh hơn, giúp các đại biểu dễ dàng hơn trong việc tra cứu dữ liệu, văn bản…; hỗ trợ lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ban ngành có thể khi đi công tác vẫn có thể tra cứu tài liệu và điều hành công việc từ xa, có thể họp trực tuyến mọi thành viên ở tất cả các nơi trên dựa các nền tảng di động. Đồng thời, trao đổi, giải đáp một số ý kiến của các thành viên trong đoàn, để làm rõ hơn các nội dung trong việc thực hiện chính quyền điện tử hiện đại.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong muốn tỉnh Ninh Bình tích cực nâng cao các hoạt động phục vụ cho việc thực hiện chính quyền điện tử hiện đại, tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ và chia sẻ với Trung tâm thông tin của Văn phòng Quốc hội để có thể triển khai tốt Quốc hội điện tử.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh cho rằng đây là ứng dụng có nhiều tiện ích, tiết kiệm được thời gian, công đoạn làm việc, nhân lực; giảm bớt được biên chế, tạo sự tương tác nhiều hơn giữa các cấp, các ngành, giúp cho việc điều hành của tỉnh thông minh, chính xác hơn, hiệu quả hơn.
Tiếp thu các nội dung tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo cho tỉnh sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành toàn bộ hệ thống chính trị từ công tác đảng, đến chính quyền, cơ sở, để ngày càng làm tốt hơn công tác cải cách hành chính và tạo thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các hoạt động từ tỉnh đến cơ sở.
Tin, ảnh: Đức Lam