Đón và làm việc với Đoàn có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: KH&ĐT, NN&PTNT, Tài Chính, Văn Phòng điều phối XDNTM tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, bộ mặt nông thôn Ninh Bình đã đổi mới, khởi sắc; kinh tế- xã hội phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch với nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Toàn tỉnh có 119 xã tham gia XDNTM. Sau hơn 5 năm thực hiện, bình quân mỗi xã tăng 7,9 tiêu chí và đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đến thời điểm 31/12/2015, tổng nợ XDCB phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM là 770,8 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách cấp huyện nợ 123,3 tỷ đồng, chiếm 16%; ngân sách cấp xã nợ 647,5 tỷ đồng, chiếm 84%.
Đến thời điểm 31/3/2016, kinh phí nợ các nhà máy xi măng là 45,857 tỷ đồng, gồm ngân sách cấp huyện nợ 10,08 tỷ đồng; ngân sách cấp xã nợ 35,776 tỷ đồng.
Riêng nợ động XDCB của 40 xã đã về đích NTM là 406,9 tỷ đồng, bình quân 10,17 tỷ đồng/xã. Nếu phân nợ theo đối tượng phải trả thì: Nợ doanh nghiệp tổ chức ứng vốn thi công các công trình, dự án XDNTM là 770.8 tỷ đồng; nợ doanh nghiệp cung ứng xi măng 45,857 tỷ đồng.
Tổng số nợ XDCB đến thời điểm 31/12/2014 (trước thời điểm Luật đầu tư công có hiệu lực) là 711,97 tỷ đồng; số nợ phát sinh sau Luật đầu tư công có hiệu lực là 58,83 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do phong trào XDNTM phát triển mạnh, trong khi nguồn vốn ngân sách khó khăn; tiến độ cấp vốn chưa đạt yêu cầu; xuất phát điểm về hạ tầng kỹ thuật của các xã còn thấp mà quyết tâm chính trị của các xã lại cao.
Một số xã lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý triển khai thực hiện các dự án XDNTM chưa nghiêm theo các quy định của Chính phủ. Nguồn thu ngân sách chính của các xã là từ đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng tiến độ và giá trị đấu giá ở các xã XDNTM còn chậm và thấp.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các thành viên trong Đoàn trao đổi, nêu ý kiến; trong đó nêu rõ mức độ nợ đọng XDCB ở Ninh Bình so với bình quân chung của cả nước và đề nghị xác định rõ cơ cấu nợ, nguồn trả nợ, lộ trình và phương án trả nợ; phát huy kết quả của các xã nông thôn mới bằng việc phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo ra cú hích cho các xã khác; phân bổ nguồn lực về các xã XDNTM cho tương đối phù hợp...
Phát biếu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng: XDNTM đã phát sinh tình hình nợ đọng XDCB và đặt ra vấn đề tính bền vững sau XDNTM. Để rà soát, đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, Ban chỉ đạo XDNTM T.Ư đã thành lập các đoàn về các tỉnh kiểm tra, khảo sát về vấn đề này.
Ninh Bình là một trong những địa phương của cả nước triển khai mạnh và tích cực Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM với kết quả là đã có 43 xã về đích, chiếm 36,1% số xã XDNTM.
Quá trình XDNTM phát sinh nợ đọng XDCB, đó là tình trạng chung trong cả nước và cũng có mặt tích cực đó là huy động được các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn. Nhưng, cũng cần phải làm rõ: Cơ cấu nợ, khả năng trả nợ và nhất là phương án và giải pháp trả nợ; giải pháp hạn chế nợ đọng XDCB trong XDNTM.
Trao đổi với Đoàn tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Đoàn, nhất là ý kiến của đồng chí Cố vấn Ban chỉ đạo XDNTM T.Ư và đồng chí Trưởng đoàn.
Giao Văn Phòng điều phối XDNTM tỉnh phân định rõ cơ cấu nợ, nguồn trả, khả năng trả, phương án trả và giải pháp hạn chế nợ đọng XDCB... hoàn chỉnh báo cáo để gửi về Ban chỉ đạo XDNTM T.Ư.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác Liên ngành Trung ương đi khảo sát một số mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở một số địa phương.
Đinh Chúc-Minh Đường