Báo cáo của UBND thành phố Tam Điệp tại hội nghị cho biết: Về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, hiện nay tại địa phương có 43 mỏ, trong đó có 18 mỏ đá xây dựng, 16 mỏ đất đá hỗn hợp, vật liệu san lấp. Tuy nhiên việc quản lý hoạt động các mỏ này hiện gặp nhiều khó khăn, hầu hết số mỏ được cấp phép khai thác gần khu dân cư, trong quá trình khai thác phép chưa đảm bảo được hành lang khai thác theo quy định, việc vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ ảnh hưởng đến hoa lợi, cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Nhiều mỏ chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cấp phép, sử dụng vật liệu nổ không theo quy định, để xảy ra mất an toàn trong khai thác, chưa thực hiện triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường. Đối với việc triển khai dự án đài hóa thân Việt Đức, mặc dù địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát song do còn vướng mắc về vị trí quy hoạch, khoảng cách đến khu dân cư, công nghệ… nên đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân xung quanh và chưa triển khai được.
Cũng tại hội nghị, UBND thành phố Tam Điệp đã trình bày về các phương án điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo an sinh, phục vụ cho sự phát triển chung của thành phố gồm: điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thị xã (nay là thành phố) Tam Điệp đến năm 2030 làm cơ sở triển khai xây dựng Khu công nghiệp Tam Điệp II và tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa; phương án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa khi chuyển nút giao liên thông về điểm giao với tuyến đường Đồng Giao; phương án tiếp tục thi công xây dựng, hoàn thiện tuyến đường vành đai chống lũ quét thượng nguồn, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của miền núi khó khăn thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp).
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của thành phố Tam Điệp về các vấn đề nêu trên.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, thành phố Tam Điệp cần rà soát lại các dự án giao thông cấp bách, tính toán lại tổng dự toán của từng hạng mục, có văn bản báo cáo với UBND tỉnh và làm việc với Sở KH&ĐT để bố trí, dành ưu tiên nguồn vốn.
Đối với dự án Đài hóa thân Việt Đức, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về công nghệ của dự án, các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường, khoảng cách giữa công trình về khu dân cư … để người dân hiểu và đồng tình. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT cũng cần hướng dẫn chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, thực hiện đúng lộ trình đã được cấp phép để dự án sớm triển khai, đi vào hoạt động.
Về việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất chia sẻ với những bức xúc của người dân bị có nhà cửa, hoa màu, cuộc sống bị ảnh hưởng bởi hoạt động vận chuyển, khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp. Đồng chí nhấn mạnh, đây là vấn đề phải giải quyết ngay và yêu cầu các Sở, ngành có liên quan cần tích cực vào cuộc hỗ trợ địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ việc khai thác đối với những doanh nghiệp chậm khắc phục, đồng thời yêu cầu doanh nghệp phải cải tạo, phục hồi lại môi trường. Nếu cần thiết, Sở TN&MT chủ trì thành lập một tổ công tác liên ngành để kiểm tra, trấn chỉnh lại hoạt động này.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số vị trí triển khai các dự án giao thông, kinh tế trọng điểm trên địa bàn.
Hà Phương- Đức Lam