Cùng đi có đại diện các Cục, vụ, viện của Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT; Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Yên Khánh.
Huyện Yên Khánh là huyện trọng điểm nông nghiệp, nằm ở phía đông nam của tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên là 14 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 9,2 nghìn ha. Thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá toàn diện; cơ cấu nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng tích cực; công tác dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao được chú trọng.
Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ATTP được chỉ đạo và tổ chức thực hiện bước đầu đã đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác từ 69 triệu đồng/1 ha năm 2008 lên 134 triệu đồng/1ha năm 2017. Thu nhập bình quân trên đầu người trên địa bàn đạt 34,65 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,1%.
An sinh xã hội ngày càng được bảo đảm, các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Bên cạnh đó, trong chương trình xây dựng NTM, huyện cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Hết năm 2017, có 18/18 xã đạt chuẩn NTM.
Huyện Yên Khánh kiến nghị với Trung ương về một số nội dung trong việc thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó, chủ yếu là về cơ chế quản lý, sử dụng đất đai nhằm trao quyền chủ động cao hơn cho người dân trong tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất hàng hóa; liên kết và tiêu thụ nông sản; vấn đề bảo hiểm nông nghiệp…
Đoàn làm việc tại huyện Yên Khánh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung làm rõ thêm các vấn đề như: mức sống của người dân nông thôn; chất lượng lao động ở địa bàn, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động; việc xây dựng và thực các quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các HTX; vấn đề đảm bảo an toàn cho các nông sản cũng như xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm này.
Đánh giá cao những nỗ lực của huyện Yên Khánh trong việc thực hiện Nghị quyết 26, đặc biệt có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM, đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH lưu ý trong thời gian tới, Yên Khánh cần tiếp tục ưu tiên hơn nữa cho vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu căn bản là phải làm sao hướng đến nâng cao đời sống, thu nhập ổn định cho người nông dân, làm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Đối với những kiến nghị của địa phương, Đoàn sẽ tổng hợp, xem xét, đề xuất với Chính phủ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Riêng kiến nghị về chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất huyện cần có văn bản cụ thể để gửi về Trung ương.
Trước đó, đoàn đã đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Khánh Thành. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2016, xã Khánh Thành đươc Sở Nông nghiệp và PTNT chọn làm xã điểm thực hiện, sau 2 năm triển khai đã đạt kết quả tích cực: nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được áp dụng, mô hình sản xuất an toàn đảm bảo vệ sinh ATTP, đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông sản, nhận thức của người dân trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu được nâng lên.
Hà Phương- Đức Lam