Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thành phố.
Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 96/110 xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với diện tích thực hiện trên 33.500 ha, bình quân 1,9 thửa/hộ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang tiến hành thử nghiệm tích tụ ruộng đất trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Với các hình thức tịch tụ: một số doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa bằng cách thuê lại ruộng của nông dân, trả theo mức độ thu nhập bình quân của người dân trên diện tích đất đó, theo từng chân đất, từng vùng sinh thái; đặt hàng các HTX sản xuất các sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp; các hộ nông dân chủ động tích tụ ruộng đất bằng hình thức liên kết hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất 2 lúa đang được các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 3.300 ha, trong đó: chuyển đổi từ đất 2 lúa sang các loại cây trồng hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn là 300 ha; diện tích chuyển đổi sang mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ cá, chuyên cá, cá kết hợp trồng các loại cây khác như chuối, rau là 3.000 ha. Dự kiến trong năm 2017 toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 1.000 ha đất 2 lúa sang nuôi trồng các loại cây con khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đem lại hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng như: mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại huyện Kim Sơn; mô hình nuôi gà đẻ tại Tam Điệp; mô hình trồng hoa tại Ninh Phúc…
Trên cơ sở thực trạng tích tụ, tập trung đất đai, tỉnh Ninh Bình đưa ra một số kiến nghị với Trung ương: Quy hoạch rõ vùng sản xuất an ninh lương thực, diện tích còn lại cho phép chuyển đổi sang nuôi, trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao. Có cơ chế chính sách hỗ trợ những nông dân trong vùng quy hoạch sản xuất an ninh lương thực. Xem xét thành lập "Ngân hàng đất nông nghiệp" để người dân có đất và coi đất như tài sản gửi vào ngân hàng để lấy lãi khi không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật đất đai, đặc biệt trong việc tích tụ ruộng đất và chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương đã trao đổi, thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc, tìm hiểu kinh nghiệm quá trình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh; làm rõ hơn chủ trương, quan điểm tích tụ ruộng đất của địa phương; hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên cơ sở ruộng đất tích tụ...
Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của Ninh Bình, Đoàn cũng đề nghị tỉnh nghiên cứu có những cơ chế, chính sách riêng phù hợp để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Bên cạnh những cách làm hay đã có, tỉnh nghiên cứu học hỏi thêm một số cách làm mới về tích tụ ở các tỉnh bạn. Rà soát, lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực phát triển để xây dựng mô hình điểm về tích tụ, từ đó nhân ra diện rộng.
Đồng thời xử lý tốt mối quan hệ trong hợp đồng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân, mối quan hệ giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với chính quyền, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Hồng Giang - Trường Giang