Làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Xây dựng, Giao thông&Vận tải; Tài chính, Tài nguyên & mô trường và các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn.
Tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 dây chuyền sản xuất xi măng cho 6 nhà máy với tổng công suất 13,06 triệu tấn/năm. Đến nay đã có 8 dây chuyền đi vào sản xuất với tổng công suất đạt 10,06 triệu tấn/năm; còn dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng công suất 1,8 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và Dự án nhà máy xi măng Phú Sơn công suất 1,2 triệu tấn/năm đã khởi công xây dựng, nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho hoãn ttiển khai.
Các nhà máy, doanh nghiệp xi măng đều đã có cam kết trong công tác bảo vệ môi trường và theo số liệu quan trắc định kỳ của Sở TN&MT thì các thông số về nồng độ bụi, nồng độ các khí: SO2, CO, NO2 tại các điểm đo của các nhà máy đều trong giới hạn cho phép; các nguồn chất thải, nguồn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất đều đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép trước khi thải ra môi trường; các nhà máy còn bố trí xe tưới nước các tuyến đường nhằm giảm bụi do vận chuyển vật liệu.
Phát biếu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Những năm trước đây ngành công nghiệp xi măng ở Ninh Bình phát triển mạnh và đã có 6 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Tuy nhiên, Ninh Bình lại là tỉnh có nhiều khu điểm du lịch nổi tiếng và là ngành kinh tế ưu tiên phát triển trong thời gian tới, chính vì vậy mà có dự án phải điều chỉnh, thay đổi lại quy hoạch vùng nguyên liệu. Tỉnh cũng đang cố gắng duy trì công suất các nhà máy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xi măng phát triển.
Nhìn chung các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn đã chấp hành tốt các quy định trong hoạt động, khai thác vùng nguyên liệu, không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Riêng với nhà máy xi măng Phú sơn, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư và sẽ báo cáo với Bộ và Chính phủ. Những kiến nghị của doanh nghiệp xi măng (Xi măng Hướng Dương) giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, xem xét báo cáo tỉnh giải quyết.
Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Trưởng đoàn công tác cho biết: Mục đích của đoàn tại buổi làm việc này là nhằm khảo sát tình hình hoạt động, sản xuất xi măng trên địa bàn; tình hình triển khai các dự án về xi măng để có cơ sở báo cáo Chính phủ và lập quy hoạch phát triển ngành xi măng giai đoạn 2017-2020. Tỉnh cần sớm xem xét và báo cáo chính thức với Bộ về việc có hay không tiếp tục triển khai dự án nhà máy xi măng Phú Sơn.
Đinh Chúc-Đức Lam