Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng bùng phát lây lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Báo cáo cập nhật của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 18/3, cả nước đã có tổng cộng 19 tỉnh, thành với 143 xã nhiễm dịch tả heo châu Phi và đã tiêu hủy hơn 23.000 con lợn đều ở các tỉnh, thành phía Bắc, Bắc Trung Bộ; trong đó mới nhất là tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dịch.
Tại Ninh Bình, ngay từ những ngày đầu tháng 3, tỉnh đã thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại cầu Non Nước (thành phố Ninh Bình), cầu Khuất (xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn), Dốc xây (phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp) để ngăn chặn việc vận chuyển lợn mắc bệnh từ tỉnh ngoài vào; tổ chức các đội kiểm tra lưu động, tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về dịch tả lợn Châu Phi và biện pháp phòng chống; giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn xóm, thực hiện khi có gia súc ốm chết sẽ có lực lượng kịp thời kiểm tra, xem xét và khoanh vùng xử lý ngay; tổ chức phun thuốc, rắc vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh; thành lập các điểm chốt chặn trên các đường giao thông từ tỉnh khác vào địa bàn huyện mình...
Tuy nhiên, ngày 9/3 dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi thuộc thôn Bạch Cừ-xã Ninh Khang- huyện Hoa Lư. Đây là điểm dịch đầu tiên trên địa bàn huyện Hoa Lư nói riêng và cả tỉnh nói chung và đưa Ninh Bình thành tỉnh thứ 11 có dịch tả lợn Châu Phi trong cả nước. Huyện Hoa Lư đã tổ chức kiểm đếm, cân đong, phân loại đàn lợn và tiêu hủy toàn bộ số lợn (59 con) tại hộ gia đình trên theo đúng quy trình, quy định; thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại xã Ninh Khang để bao vây, ngăn chặn ổ dịch và dập dịch; đồng thời ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch và ban hành Quyết định số 339/QĐ-UBND về việc công bố dịch tả lợn Châu Phi tại 1 hộ gia đình chăn nuôi ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang.
Theo thống kê, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 350 nghìn con và hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa phát hiện thêm ổ dịch mới; ổ dịch tại địa bàn xã Ninh Khang-Hoa Lư được bao vây, khống chế . Các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có nhận thức và ý thức cao trong việc phòng chống dịch như: Hạn chế người ra vào trang trại; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ; kiểm soát chặt nguồn thức ăn đưa vào trang trại.
Các cơ quan chức năng và chuyên môn như: Thú y, QLTT, Công an tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; nhất là việc ngăn chặn vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn tỉnh...Nhìn chung, các sở, ngành và địa phương trong toàn tỉnh đã và đang triển khai khẩn cấp, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan, phát sinh của dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra tình hình thực tế tại chốt kiểm dịch cầu Khuất, Gia Viễn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, trưởng đoàn công tác cho biết: dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Bắc. Chính phủ và các địa phương đang tập trung cao cho công tác phòng chống và cố gắng ngăn chặn dịch lây lan vào các tỉnh phía Nam.
Tại Ninh Bình, ngày 9/3 đã xuất hiện ổ dịch tại 1 hộ gia đình chăn nuôi ở huyện Hoa Lư; nhưng tỉnh và các địa phương đã triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống và ngăn chặn dịch lây lan. Đến nay qua 11 ngày đã không phát sinh ổ dịch mới. Dịch tả lợn Châu Phi đang ở thời kỳ cao điểm. Do vậy, không được chủ quan; tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan; kiểm soát chặt vận chuyển lơn và các sản phẩm từ lợn trên các tuyến giao thông ra vào tỉnh, kể cả tuyến giao thông đường thủy; tăng cường công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ về dịch và biết được đâu là thịt lợn sạch, lợn an toàn để có thể tiêu dùng...
Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc" nên mọi cấp, mọi ngành đều phải vào cuộc; thực hiện tốt nguyên tắc "5 không"; triển khai và thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, nhất là vấn đề vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ở vùng dịch đi các nơi khác; ưu tiên công tác giám sát tại cơ sở và xử lý kiên quyết, mạnh tay khi phát hiện ổ dịch.
Các ngành chức năng tập trung cho công tác xét nghiệm, kiểm tra các sản phẩm: Xúc xích, ruốc, thức ăn chăn nuôi...Cục Quản lý thị trường Ninh Bình huy động tối đa lực lượng tham gia công tác chống dịch; liên kết phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn. Ngành Công thương tham mưu cho tỉnh và có giải pháp đồng bộ cho vấn đề cung-cầu thịt lợn và giải quyết được vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ngay sau khi làm việc với UBND tỉnh, đoàn công tác Bộ Công thương đã đi kiểm tra tình hình thực tế chốt kiểm dịch động vật tại cầu Khuất-Gia Viễn.
Đinh Chúc- Anh Tuấn