Trao đổi với Đoàn, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính với 2 thành phố và 6 huyện được chia làm 3 vùng rõ rệt; là mảnh đất địa, linh, nhân kiệt với lịch sử phát triển hào hùng từ các thời Đinh, Lý tiền Lê.
Thiên nhiên và lịch sử đã để lại cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: quần thể danh thắng Tràng An đã dược UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên của Thế giới; Cố đô Hoa Lư; Vườn quốc gia Cúc Phương; nhà thờ đá Phát Diệm…
Những năm gần đây kinh tế -xã hội của tỉnh có bước phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng từ trên 7% đến 14%. Ninh Bình hiện đã quy hoạch được 7 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500 ha và 25 cụm công nghiệp.
Các lĩnh vực thu hút đầu tư: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, sản xuất phân bón, sản xuất thép... với 628 dự án, tổng vốn đăng ký 117.318 nghìn tỷ đồng; trong đó có 51 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 1.287,2 triệu USD.
Xuất khẩu năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình năm 2016 đạt 6,4 triệu lượt người (trong đó có 715,6 nghìn lượt khách quốc tế); tăng 7,5% so với năm trước; doanh thu đạt 1.765 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2017 đã đón 4,1 triệu lượt khách (trong đó có 308,1 nghìn lượt khách quốc tế) tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế hiện nay là: Công nghiệp, Xây dựng 48%; Dịch vụ 40%; Nông nghiệp 12% Tỉnh được đánh giá cao về công tác cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và xúc tiến đầu tư du lịch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 xếp thứ 19 trong 63 tỉnh, thành.
Được biết, đây là đoàn cán bộ cao cấp Bangladesh tham dự khóa đào tạo hành chính công tại Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đi khảo sát, tìm hiểu thực tế. Trước đó, Đoàn đã khảo sát thực tế ở một xã trên địa bàn tỉnh và tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, nhiều thành viên trong Đoàn đã nêu ra những vấn đề cần tìm hiểu thêm: Điều kiện để phát triển du lịch; năng lượng sử dụng ở nông thôn; sự khác biệt giữa cụm công nghiệp và khu công nghiệp; cách quản lý, xử lý rác hữu cơ; sử dụng phân bón trong nông nghiệp; mặt hàng xuất khẩu; phát triển giáo dục, tỷ lệ cán bộ nữ...
Các câu hỏi của Đoàn đã được đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh giải đáp, trả lời cũng như đi sâu phân tính đánh giá mặt được, chưa được để bạn tham khảo, tiếp thu làm bài học, kinh nghiệm cho mình.
Thay mặt Đoàn, ngài Ranjit Kumar Sen, hàm Thứ trưởng, lãnh đạo Trung tâm đào tạo hành chính công Bangladesh đã cảm ơn sự đón tiếp chân tình, cởi mở mà tỉnh Ninh Bình đã dành cho Đoàn cũng như đã chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế -xã hội, thực hiện cải cách hành chính và đổi mới cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.
Những kinh nghiệm quý mà ngài Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh chia sẻ đã giúp các cán bộ, thành viên trong Đoàn có thể học hỏi áp dụng trong thực tế sau khi trở về đất nước.
Đinh Chúc-Trường Giang