Trò chuyện với chúng tôi, anh Sỹ cho biết: Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Quá trình học tập, rèn luyện tại Trung đoàn 937, Quân chủng Phòng không, không quân, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2002, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh tham gia vào nhiều công việc khác nhau, đến năm 2013, được bầu làm Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đông Sơn. Hiện nay anh đang đảm nhiệm vai trò sỹ quan dự bị Ban CHQS xã đồng thời là Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn. ở bất cứ vai trò nào anh đều phát huy tốt năng lực, trở thành người cán bộ hai giỏi, cả trên lĩnh vực phát triển kinh tế và công tác xã hội.
Đông Sơn là xã miền núi, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có nhiều cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế cao như: dứa, đào phai... Anh Sỹ luôn suy nghĩ, trăn trở là làm cách nào để phát huy lợi thế của địa phương, làm giàu cho bản thân, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, trước hết là những người đồng đội đã hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương. Từ suy nghĩ đó, anh đã chủ động tìm đến nhiều nơi để học hỏi, tìm hiểu nhiều công việc khác nhau như: cơ khí, điện nước đến trồng hoa và các loại rau.
Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, năm 2010, anh Sỹ quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Được người thân tiếp sức, anh mạnh dạn đấu thầu 2ha đất đồi để trồng đào. Ban đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn như: Vốn, cơ sở vật chất thiếu thốn, cây bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp, hơn nữa cây đào chịu ảnh hưởng rất nhiều vào thời tiết, năm 2012, do thời tiết xấu, đào nở sớm, gia đình anh thua lỗ gần 100 triệu đồng. Lúc đó anh định buông xuôi. Nhưng, với bản lĩnh người lính được tôi rèn trong môi trường quân đội, anh tự nhủ: làm kinh doanh thì phải học cách đối diện với thất bại mới có được thành công. Vì vậy, anh quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, đồng thời góp phần giữ gìn thương hiệu làng nghề truyền thống từ bao đời nay.
Quyết là làm, anh Sỹ tìm đến những đồng đội và thuyết phục được 3 anh em cùng đơn vị để bàn kế hoạch phát triển nghề trồng đào. Họ cùng nhau khắc phục khó khăn, duy trì và mở rộng diện tích trồng đào lên 1 ha, ngoài ra còn trồng thêm 1 ha sắn dây, 0,5ha dưa hấu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao. Hàng năm, thu nhập từ bán đào đạt khoảng 250-300 triệu đồng sau khi trừ vốn đầu tư và công lao động; sản lượng sắn dây đạt từ 13-15 tấn củ, trừ các chi phí sản xuất, thu lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng; thu từ dưa hấu hàng năm từ 80-100 triệu đồng. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 25 lao động tại địa phương, trong đó có 11 bộ đội xuất ngũ, đảm bảo thu nhập cho người lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm từ mô hình kinh tế vườn đồi đạt trên 500 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Đinh Văn Sỹ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao. Là sỹ quan quân nhân dự bị, anh luôn chấp hành nghiêm lệnh điều động của cấp trên, tham gia huấn luyện lực lượng dự bị động viên đảm bảo đúng thời gian, chấp hành nghiêm kỷ luật, kết quả kiểm tra huấn luyện đều đạt khá, giỏi.
Với những việc làm và đóng góp trên, Thượng úy Đinh Văn Sỹ luôn được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Năm 2015, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Năm 2018, anh vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến tham dự Đại hội thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh giai đoạn 2013-2018 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Khải Hoàn