Phóng viên Đinh Hữu Dư sinh năm 1988, tốt nghiệp K27, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hệ chính quy và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại trường đại học. Anh là thạc sỹ báo chí hệ chính quy, trúng tuyển kỳ thi tuyển phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam năm 2016, sau đó anh được cử lên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái từ 1/10/2016.
Là phóng viên trẻ của TTXVN nhưng Đinh Hữu Dư không trẻ với nghề, bởi anh đã có không dưới 5 năm hoạt động nghề báo tại Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam. Đến khi thi tuyển vào TTXVN, xếp thứ 2 trên tổng số 700 người dự thi, anh chính thức nhận nhiệm vụ tại một tỉnh phía Tây Bắc đất nước, càng có cơ hội để thỏa sức trẻ và niềm yêu thích nghề báo của mình. Theo nhiều đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại Yên Bái, hơn 1 năm gắn bó với mảnh đất này là khoảng thời gian Dư để lại những ký ức đẹp đẽ trong lòng đồng nghiệp-một phóng viên trẻ đầy đam mê nghề nghiệp và dũng cảm. Bằng chứng rõ nhất là sự dấn thân của Dư trong quá trình tác nghiệp tại tỉnh Yên Bái. Nổi bật trong đó là khi đi đưa tin tại trận lũ quét lịch sử ở huyện Mù Cang Chải đầu tháng 8/2017 đã để lại niềm cảm phục lớn với nhiều người. Gần 1 tuần tác nghiệp ở vùng lũ dữ, Dư đã có hơn 10 tin, bài, gần 100 bức ảnh được gửi về Tòa soạn kịp thời, phản ánh rõ nét những khắc nghiệt của thiên tai đối với đời sống con người.
Sự kiện ấy đã được Đinh Hữu Dư chia sẻ trên Nội san của Thông tấn xã Việt Nam rằng: "Những ngày đó, liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, phóng viên phải liên tục cập nhật thông tin, mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số, bùn đất lấm lem, chân tay rã rời. Thế nhưng tất cả những điều đó không đáng kể chút nào khi phải chứng kiến sự tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên với những nỗi đau, mất mát quá lớn của đồng bào". Tâm sự ấy, suy nghĩ ấy chỉ có thể có ở một nhà báo trách nhiệm, quả cảm và một sự đồng cảm đến tận cùng với nỗi đau của mảnh đất, con người thường xuyên phải hứng chịu những hậu quả khắc nghiệt của thiên tai. Với những thông tin nóng hổi về đợt mưa lũ ấy, Đinh Hữu Dư được đánh giá là một phóng viên dũng cảm, không ngại khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, anh đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen.
Lãnh đạo TTXVN thắp hương tưởng nhớ nhà báo Đinh Hữu Dư. Ảnh: Minh Quang
Tìm hiểu qua những người bà con cùng phố cảm nhận được phần nào sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh gia đình của nhà báo Đinh Hữu Dư từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi trở thành một nhà báo trẻ. Vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đi khai hoang trong rừng, Đinh Hữu Dư phải ở cùng ông bà nội không có nguồn thu nhập ổn định lại hay bệnh tật, già yếu, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, vất vả, nhưng Dư luôn nỗ lực vượt qua và học tập tốt. Những năm học THPT, Dư là cậu học trò lớp chuyên Văn trường THPT chuyên Lương Văn Tụy học giỏi đều các môn, đạt giải HSG cấp tỉnh môn Ngữ văn, tham gia đội tuyển HSG Quốc gia môn Địa lý và đạt giải khuyến khích năm học 2006-2007… Cháy bỏng với ước mơ được trở thành nhà báo, Đinh Hữu Dư đã nỗ lực học tập và thi đỗ vào Học viện báo chí và tuyên truyền khóa 27 với điểm số khá cao.
Trong quá trình học tập tại trường đại học, biết hoàn cảnh của mình không được như các bạn nên Đinh Hữu Dư đã nỗ lực hết mình trong học tập, vừa học vừa cộng tác với các báo để có kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp, anh đã phấn đấu và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm thứ 3 trong trường đại học. Ra trường, dù công việc không ổn định nhưng Đinh Hữu Dư vẫn nỗ lực vừa đi làm vừa học thạc sĩ để có thêm kiến thức và kinh nghiệm, trở thành tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học, nỗ lực vượt khó trong cuộc sống và học tập. Đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn với bố mẹ đau yếu, làm ăn không hiệu quả, cô em gái gặp bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân không có việc làm phải nuôi 2 con nhỏ đã buộc Dư phải vừa lo cho mình vừa lo cho đại gia đình. Gánh nặng trên vai như nặng hơn với người phóng viên trẻ ấy, nhưng chưa bao giờ anh kêu than và không chùn bước trước bất kể khó khăn nào.
Cuộc sống thường không lường trước được những bất trắc, rủi ro, trong cơn lũ dữ, Đinh Hữu Dư vẫn bám tuyến đầu, đưa ống kính máy quay ghi nhận chuyển biến của mưa lũ. Nhưng bất ngờ cầu sập, Dư đã bị dòng nước cuốn đi khi chưa tròn 30 tuổi, để lại nỗi đau, sự mất mát quá lớn cho gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Anh thực sự là tấm gương cho đồng nghiệp, tấm gương đó là lòng yêu nghề, có trách nhiệm với nghề, bám sát sự kiện, đến tận hiện trường, chấp nhận gian khổ và cả hy sinh để có những dòng tin nóng nhất gửi đến bạn đọc.
Đinh Hữu Dư đã đi xa, những phần thưởng cho lòng quả cảm, sự hi sinh quên mình vì nghề nghiệp của một nhà báo trẻ cũng đã được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận: Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen; Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng-Trưởng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Bằng khen cho Đinh Hữu Dư "Vì đã có hành động dũng cảm hy sinh thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về phòng chống thiên tai"; Tổng Giám đốc TTXVN cũng đã truy tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thông tấn" cho nhà báo Đinh Hữu Dư. Ngoài ra, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng đã ủng hộ sổ tiết kiệm 900 triệu đồng để gia đình phóng viên Đinh Hữu Dư vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Những phần thưởng ấy, dù đến muộn nhưng cũng an ủi phần nào tâm nguyện và trách nhiệm của nhà báo Đinh Hữu Dư đối với gia đình của mình, động viên gia đình anh không đơn độc trước những hi sinh mất mát của người thân; đồng thời thắp lên ngọn lửa về lòng yêu nghề, tinh thần quả cảm trong đội ngũ những người làm báo, nhắc nhở mỗi phóng viên về bổn phận khi làm nghề: phải có mặt ở những nơi cần có mặt và dấn thân vì cộng đồng. Bởi để có những bài viết, những tấm ảnh, thước phim, những nhà báo luôn phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt và đôi khi bằng cả máu và tính mạng của mình.
Mỹ Hạnh