Hiện nay, trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình có 395 học sinh. Được biết, rất nhiều em học sinh của nhà trường thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đến từ các xã vùng khó như: Cúc Phương, Kỳ Phú, Quảng Lạc, Thạch Bình… Bởi vậy, việc vận động các em đến trường, không bỏ học giữa chừng luôn là nhiệm vụ mà nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục từ nhiều năm qua.
Cô giáo Đinh Thị Ngoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng để nhà trường duy trì sĩ số, đó là cho các em thấy được tầm quan trọng của việc tới trường. Học để làm người, học để lập thân, lập nghiệp. Từ đó khơi dậy ước mơ, động lực phấn đấu trong mỗi học sinh. Muốn vậy, nhà trường đã chú trọng làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan, tích cực tuyên truyền, cung cấp kiến thức, thông tin về xu thế của thị trường lao động đến các em học sinh. Đặc biệt, nhà trường sẽ tư vấn để mỗi học sinh sẽ tùy vào năng lực, sở trường, sở thích để từ đó lựa chọn những ngành, nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Với cách làm này, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh tham gia xét tuyển và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đã tăng đáng kể. Cụ thể như năm học vừa qua, nhà trường có khoảng 40% học sinh đỗ nguyện vọng vào các trường cao đẳng, đại học và đặc biệt là có tới 60% học sinh được định hướng theo học nghề phù hợp với trình độ, sở thích của bản thân.
Thời gian qua, sự phối hợp giữa các trường THPT với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong công tác hướng nghiệp cho học sinh ngày càng nhịp nhàng, chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhờ đó, đã dần tạo được bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần của Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025".
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, TBXH phân tích thêm: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Nguồn nhân lực của tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội, như có nguồn lao động dồi dào, trẻ; công tác đào tạo nguồn nhân lực được trung ương, tỉnh tiếp tục quan tâm tập trung đầu tư; những lợi thế, tác động của khoa học kỹ, thuật, công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo ngày càng lớn.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức mới, như cách mạng công nghiệp 4.0 làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế, những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi, đồng thời xuất hiện những ngành nghề mới; thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ, lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm; nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao ngày càng cấp thiết... Vì vậy, việc hướng nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động đang là giải pháp hữu hiệu đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, khắc phục được thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ", "cung" không đúng "cầu" trong thời gian qua.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là các cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh, cha mẹ học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các trường THCS, THPT cung cấp thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, năng lực đào tạo, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động...
Đặc biệt, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng được các nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 33 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (28 cơ sở đang hoạt động). Trong đó, có 5 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhìn chung, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu về đào tạo nghề của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Một số ngành, nghề đang thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia như: Công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị khách sạn, điện dân dụng….
Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được quan tâm, phát triển toàn diện. Tổng số nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm 31/12/2020 là 1.022 người, có 316 người có trình độ trên đại học, 405 người có trình độ đại học, 67 người trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và trình độ khác (công nhân kỹ thuật, bậc, thợ…) là 234 người. Có 996/1022 nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhờ đó, trong 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, nhưng công tác đào tạo, giải quyết việc làm của tỉnh vẫn đạt được kết quả nhất định. Trong 11 tháng đầu năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo cho trên 16 nghìn người, đạt 93,2%.
Bài, ảnh: Đào Hằng