Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn - Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề nhằm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới;
- Nghiên cứu các giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị vùng sinh thái, các điều kiện đặc thù của Ninh Bình, góp phần quan trọng trong việc tham mưu nhằm tổ chức khai thác phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động du lịch với các loại hình và sản phẩm đặc trưng.
- Phát triển năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các nhà trường đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh (tạo điều kiện, hỗ trợ tìm kiếm công nghệ, làm chủ, thích nghi, cải tiến phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị).
- Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi kết quả của các đề tài đã được nghiệm thu về: Đổi mới phương pháp dạy học, quản lý giáo dục, các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phù hợp với các nhà trường trên địa bàn của tỉnh.
- Nghiên cứu các giải pháp kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, nâng cao khả năng khám, điều trị bệnh cho nhân dân và du khách (đáp ứng nhu cầu của các tour du lịch kết hợp chữa bệnh, nghỉ dưỡng tại Ninh Bình).
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác, ứng dụng các công nghệ cao, kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân, giảm dần việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
- Nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó chú ý mô hình và các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, lây nhiễm; các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
- Nghiên cứu giải pháp đổi mới, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao để phát triển hiệu quả của ngành Dược của tỉnh.
Lĩnh vực Nông nghiệp & PTNT
- Tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản, giống ít bị cạnh tranh, có lợi thế của từng vùng để sớm tạo được thương hiệu cho sản phẩm: các cây con đặc sản, chịu mặn, chịu hạn, chịu biến đổi khí hậu; bảo tồn quỹ gen, cây trồng chuyển gen; các đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; các hình thức xen canh gối vụ an toàn, bền vững; phát triển ổn định cây vụ đông.
- Đẩy nhanh tốc độ chuyển giao, ứng dụng quy trình công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, canh tác trên đất dốc theo phương thức nông-lâm kết hợp, nhân rộng mô hình kỹ thuật tiến bộ, đẩy nhanh tiến trình sản xuất hàng hóa và tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp: đẩy mạnh xây dựng, triển khai các mô hình, dự án như sản xuất lúa chất lượng cao; thâm canh cây đậu tương; lạc giống mới; sản xuất rau an toàn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi lợn hướng nạc; nuôi vỗ béo trâu, bò; nuôi cá ruộng thâm canh; nuôi tôm công nghiệp; ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học trong chế phẩm vi sinh vật, chế phẩm bảo vệ thực vật có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, rau an toàn, hoa, dứa nguyên liệu, nông sản xuất khẩu và trong bảo quản nông sản sau thu hoạch.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường (nước thải, mùi hôi, ô nhiễm do hóa chất, dầu...), xử lý, chế biến rác thải; các quy trình xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp, làng nghề có chất thải chứa hàm lượng hữu cơ cao.
Lĩnh vực Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp
- áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất: vật liệu xây dựng không nung, một số hóa chất mới, dược phẩm, phân vi sinh phù hợp với điều kiện đất, khí hậu của tỉnh.
- Tập trung ưu tiên đổi mới công nghệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, thép và chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thân thiện môi trường.
- ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến quy trình sản xuất xi-măng, sản xuất thép; nâng cao chất lượng vật liệu gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.
- ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến trong ngành cơ khí; thiết kế, chế tạo các máy móc thiết bị, phụ tùng, chi tiết máy cho ô tô và xe máy, góp phần từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 30% trong giai đoạn 2013-2015 và lên 40% trong giai đoạn 2016-2020.
- Nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, chế biến thức ăn gia súc từ phế phẩm của chế biến hải sản và các nguyên liệu nông sản ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, chú ý các sản phẩm truyền thống của địa phương có giá trị xuất khẩu.
- Nghiên cứu thiết kế mẫu các loại bao bì đóng gói thích hợp và lựa chọn, nhập thiết bị đóng gói tự động các loại sản phẩm chế biến, đảm bảo có mẫu mã đẹp, bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực Điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường
- Xây dựng các cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, sinh thái môi trường và tài nguyên của tỉnh; dự báo diễn biến môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường theo vùng; triển khai, ứng dụng các giải pháp "kịch bản" phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu; duy trì kiểm soát ô nhiễm vùng biển của tỉnh, tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.
- ứng dụng công nghệ mới thực hiện việc điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, khoáng sản, biển và vùng, khí hậu môi trường làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề ra các giải pháp, dự án khai thác phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường nhằm bảo vệ cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển du lịch.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm khu vực sản xuất công nghiệp (nhà máy xi măng, nhà máy hóa chất, nhà máy điện và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề...); chế biến nông, lâm, thủy sản; xử lý rác thải nông thôn.
Lĩnh vực Công nghệ thông tin
- ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử (e-Government) trong từng giai đoạn từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường.
- Đẩy mạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ quản lý, kỹ thuật của các Công ty, doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng rộng rãi, thành thạo kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển về công nghệ thông tin để giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết của tỉnh, chủ yếu là các nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ các vấn đề liên quan đến phát triển phần mềm và phần cứng (chọn lọc).
- Nghiên cứu thúc đẩy doanh nghiệp tiến hành sản xuất một sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên đầu tư phát triển hoặc sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển tại Ninh Bình./.