Theo ông Giám đốc HTX nông nghiệp Định Hóa giải thích: Các chỉ tiêu như năng suất, sản lượng trong vụ mùa 2018 này đều vượt so với các năm trước đây. Hơn thế, yếu tố thời tiết cũng là thuận lợi lớn cho sản xuất. Tuy đầu vụ có mưa lớn kéo dài khiến một số diện tích gieo cấy bị ngập úng, phải tiến hành gieo thẳng để kịp thời vụ sản xuất, song thời tiết trong vụ khá thuận lợi, giúp cây lúa hồi xanh và sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh nên năng suất cuối vụ vẫn được đảm bảo.
Được biết, vụ mùa 2018, xã Định Hóa gieo cấy hơn 400ha lúa. Trong đó có khoảng 95% diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, Nếp 97. Diện tích còn lại, người dân gieo cấy giống lúa nếp hạt cau. Năng suất, sản lượng lúa cao hơn mọi năm, trong khi đó, giá thu mua lúa cũng đang ở mức cao.
Gia đình ông Trần Văn Đắc, xóm 11, xã Định Hóa phấn khởi cho biết: Gia đình tôi gieo cấy 5 sào lúa Bắc thơm số 7. Đến ngày 14/11, gia đình tôi đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa vụ mùa. Năng suất lúa đạt 1,7 tạ/sào. Giá lúa Bắc thơm hiện nay đang ở mức khá cao, khoảng 850 nghìn đồng/tạ; giá lúa nếp hạt cau tươi là 930 nghìn đồng/tạ, lúa đã phơi qua một nắng là 1 triệu đồng/tạ.
Như vậy, hiệu quả kinh tế mà gia đình tôi thu về trong vụ mùa năm nay là hơn 7 triệu đồng. Còn gia đình ông Lê Văn Thế, xóm 12 vui mừng cho biết: Chưa vụ mùa nào được mùa như vụ mùa năm nay. Gia đình tôi cấy gần 1,3 mẫu lúa với giống Bắc thơm số 7 và khoảng 1 sào lúa nếp hạt cau. Năng suất lúa trung bình đạt khoảng 2 tạ/sào. Giá bán lúa năm nay cũng cao hơn mọi năm từ một đến hai giá.
Đến thời điểm này, xã Định Hóa đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ mùa, năng suất đạt 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 2.400 tấn lúa. Kết quả sản xuất vụ mùa đạt cao là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, UBND xã, HTX nông nghiệp ngay từ đầu vụ, cùng với sự chủ động của bà con nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh. Được biết, vụ mùa 2017, lúa mùa của xã Định Hóa cũng như nhiều địa phương khác của huyện Kim Sơn bị dịch rầy nâu hoành hành, mang theo mầm bệnh lùn sọc đen phương Nam.
Vì vậy, năng suất lúa bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, sản lượng lúa thấp hơn nhiều so với mong đợi của bà con nông dân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu bệnh lan rộng là do sự thiếu cảnh giác của người nông dân, không tuân thủ theo khuyến cáo của huyện, của xã trong việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Đến khi bệnh đã phát triển mạnh và lan ra diện tích lớn, người nông dân mới bắt đầu phun thuốc bảo vệ thực vật.
Vì vậy, xã kiên quyết không để xảy ra tình trạng đó trong vụ mùa năm 2018. Ngay khi vụ mùa 2017 kết thúc, UBND xã đã chỉ đạo HTX tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ nghiêm kỹ thuật chăm sóc lúa của ngành Nông nghiệp.
Trong năm, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kim Sơn tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam tại xã Định Hóa, thu hút hơn 150 lượt học viên tham dự.
Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ xã lắp đặt hệ thống bẫy đèn diệt rầy và xây dựng mô hình thực nghiệm hơn 10ha để đánh giá hiệu quả của việc phun thuốc phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, ý thức của bà con nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa nói chung, với rầy nâu và bệnh lùn sọc đen phương Nam nói riêng đã được nâng cao rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Diệp, xóm 5, xã Định Hóa cho biết: Tôi đã tham gia đầy đủ 2 lớp tập huấn kiến thức về phòng trừ bệnh rầy nâu, cách xử lý bệnh lùn sọc đen phương Nam. Tôi đã áp dụng những kiến thức đó vào sản xuất vụ mùa 2018. Trong vụ, tôi chủ động phun phòng trừ 5 đợt: Từ xử lý trên mạ, đến khi gieo cấy một tuần, khi lúa trỗ... và trước khi thu hoạch. Do đó, diện tích lúa vụ mùa của gia đình tôi phát triển nhanh, lúa đều, chất lượng gạo tốt, năng suất đạt hơn 1,8 tạ/sào.
Theo ông Giám đốc HTX Định Hóa, từ thắng lợi vụ mùa sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc để địa phương chúng tôi triển khai các vụ sản xuất lúa trong những năm tiếp theo đạt kết quả cao nhất.
Bài, ảnh: Thái Học