Ngày nay rất nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung không muốn phẫu thuật cắt bỏ khối u hay cắt bỏ tử cung vì nhiều lí do như để lại sẹo, mất khả năng có con… điều này ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sự tự tin của phụ nữ. Cùng với sự tiến bộ của khoa học, ngày càng có nhiều cách điều trị u xơ tử cung giảm thiểu tối đa sự xâm lấn vào người bệnh, trong đó có phương pháp nút động mạch tử cung. Tại Khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai kỹ thuật này từ năm 2014 và điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân.
Chị Đỗ Ngọc Thương, 40 tuổi, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình), qua thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát hiện khối u xơ tử cung kích thước 7cm từ lâu, do tiền sử hai lần mổ đẻ, chị Thương được các bác sỹ tư vấn điều trị theo phương pháp nút động mạch tử cung. Đến nay, sau 3 tháng điều trị, đi khám lại, khối u giảm kích thước chỉ còn 4cm, sức khỏe của chị cơ bản được hồi phục.
Chị Nguyễn Thị Huế, 39 tuổi, xã Ninh An (Hoa Lư) phát hiện khối u xơ 6cm kèm vài khối u nhỏ, gây đau tức bụng dưới liên tục, ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như làm việc. Sau khi đi khám, chị Huế có chỉ định cắt tử cung để giải quyết các khối u, nhưng do còn nhu cầu có thêm con nên chị đã chọn phương pháp nút mạch u xơ tử cung để sinh con thứ 2. Rất may, điều trị theo phương pháp này, cơ thể chị Huế đáp ứng được và khá phù hợp. Sau vài tháng điều trị, kết quả khám lại cho thấy, khối u đã teo đi nhiều, chỉ còn lại khoảng 3cm. Các bác sĩ cho biết, điều trị một thời gian nữa, u xơ sẽ teo nhỏ thành sẹo, không ảnh hưởng đến quá trình sinh con của chị.
U xơ tử cung là loại khối u vùng khung chậu phổ biến nhất thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trên 35 tuổi. Nếu không được xử lý kịp thời, sẽ khiến bệnh nhân bị chảy máu kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể phát triển thành ung thư, là một trong những yếu tố góp phần gây vô sinh, sảy thai và đẻ non. Trước đây, những bệnh nhân bị u xơ tử cung thường có chỉ định phẫu thuật mổ mở để cắt bỏ nhân xơ hoặc cắt tử cung, dù loại bỏ được khối u nhưng sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sơn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nút mạch u xơ tử cung trong điều trị u xơ là một phương pháp can thiệp nội mạch ít xâm nhập dành cho các trường hợp muốn giữ tử cung không muốn thực hiện phẫu thuật, trên máy XQ DSA là loại máy can thiệp kỹ thuật số hiện đại mới được trang bị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Với kỹ thuật này, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ không gây mê, không mất máu, được tạo một lỗ nhỏ khoảng 3mm để đi vào động mạch đùi, sử dụng một ống thông nhỏ và mềm đưa qua động mạch đùi để đi đến động mạch tử cung hai bên. Tiếp theo, chất gây tắc là các hạt nhựa được bơm vào làm tắc hai động mạch tử cung.
Sau một thời gian điều trị nhất định, khối u xơ tử cung bị cắt mất nguồn dinh dưỡng sẽ nhỏ dần đi, hoại tử và teo nhỏ, thường trong khoảng 6 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là bảo toàn được các phần tử cung lành lặn, không có khối u bám dính vào, như vậy, chức năng của tử cung cũng được bảo vệ an toàn. Đồng thời các triệu chứng do bệnh u xơ tử cung gây ra cũng dần mất đi mà không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi triển khai lĩnh vực can thiệp mạch sớm so với các tỉnh lân cận của miền Bắc, trong đó kỹ thuật nút động mạch tử cung trong điều trị u xơ tử cung được các bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện vào năm 2014 dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai. Sau hơn 4 năm tiếp nhận và thực hiện kỹ thuật mới này, đến nay tại khoa đã thực hiện thành công gần 100 ca nút mạch u xơ tử cung, giúp cho nhiều bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nam Định, Hòa Bình… chữa khỏi bệnh, không phải đi tuyến trên.
Với việc áp dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian qua đã giúp người dân trên địa bàn được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương; đồng thời không chỉ rút ngắn thời gian điều trị mà còn giảm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh và người nhà, góp phần tạo niềm tin, sự hài lòng của người dân đối với ngành Y tế.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh