Trải qua 2 lần bị tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng, bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyến, 70 tuổi, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) bị liệt nửa cơ thể, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng. Cả 2 lần nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân đều được bác sỹ khoa Thần kinh - Sọ não và Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống kịp thời. Qua cơn thập tử nhất sinh, bệnh nhân được chuyển lên điều trị phối hợp phục hồi chức năng tại khoa Đông y. "Sau mỗi lần được tiến hành laser nội mạch, tôi cảm thấy cơ thể được hồi phục, sảng khoái hơn. Điều trị tại khoa Đông y, nhờ được áp dụng phương pháp laser nội mạch và các trị liệu đông y khác, tình trạng liệt và sức khỏe của tôi được cải thiện rất nhiều. Bác sỹ nhận định, sức khỏe của tôi đã khá dần chỉ sau 1 tuần điều trị, về lâu dài có thể tốt hơn, đi lại túc tắc, chậm chạp được...." - Bệnh nhân Tuyến cho biết.
Theo các bác sỹ, laser nội mạch là phương pháp can thiệp vào trong lòng tĩnh mạch thông qua cơ chế chuyển hóa và hiệu ứng quang học nhằm tối ưu hóa các chức năng của cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch và hệ thần kinh. Với kỹ thuật này, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện được rút ngắn, khả năng tái phát bệnh giảm.
Phương pháp laser nội mạch là đưa đầu phát laser công suất thấp vào lòng tĩnh mạch thông qua thủ thuật chọc kim đơn giản như truyền dịch nhưng thay vì truyền nước, những chùm tia laser được truyền vào mạch máu. Dù chỉ kích thích và đặt nguồn phát ở một vị trí, nhưng hiệu ứng đi khắp cơ thể vì năng lượng hoạt hóa lan theo dòng máu tác động lên tất cả các hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Khi chùm tia laser tác động lên tĩnh mạch thì hồng cầu, bạch cầu không bị ảnh hưởng mà nó giúp loại thải bớt các thành phần không tốt. Điều trị theo phương pháp này cho một số bệnh về tim, thận, mất ngủ rất hiệu quả nếu phát hiện bệnh sớm.
Hiện nay, những bệnh nhân được khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ định điều trị laser nội mạch chủ yếu mắc các bệnh lý mạn tính như: Mất ngủ, thiếu máu cơ tim, thiếu máu lên não, viêm nội các mạch máu chi dưới, nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra, còn giúp phòng ngừa và điều trị tai biến mạch máu não… Đặc biệt là giúp ngăn ngừa, phòng chống suy giãn tĩnh mạch, thúc đẩy tuần hoàn cùng nhiều bệnh lý khác. Kỹ thuật này đã giúp nhiều bệnh nhân có điều kiện hồi phục nhanh hơn, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong quá trình điều trị laser nội mạch, có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp khác. Do vậy, hiện nay tại Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, laser nội mạch thường được kết hợp đồng thời với một số phương pháp khác, như dùng thuốc, điện châm, xoa bóp, bấm huyệt... Nhờ vậy, kết quả điều trị bệnh luôn đạt cao. Với kỹ thuật này, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện được rút ngắn, khả năng tái phát bệnh giảm. Phần lớn người bệnh đều được cải thiện rõ rệt và khỏi bệnh khi ra viện.
Laser nội mạch là kỹ thuật điều trị cao, ít xâm lấn. Với phương pháp này, năng lượng từ tia laser cho phép loại bỏ các tĩnh mạch bị giãn ngay từ bên trong mà không phải qua bất kỳ đường mổ nào. Do vậy hầu như không có tác dụng phụ nhưng đem lại hiệu quả cao trong điều trị và có tác dụng dự phòng được các biến chứng bệnh. Bình quân, mỗi người bệnh vào khoa khi được chỉ định laser, một đợt điều trị khoảng 10 lần. Chi phí điều trị cho một lần chạy laser nội mạch chỉ vào khoảng vài chục nghìn đồng. Thời gian điều trị tùy theo từng bệnh và chỉ mất khoảng 35-40 phút mỗi lần chiếu. Đặc biệt, khi sử dụng phương pháp này thường không gây đau đớn, bệnh nhân vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường trong quá trình điều trị.
Hiện nay, tại khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng thường quy kỹ thuật laser nội mạch, được coi như là một phương pháp vật lý trị liệu trong điều trị nhiều bệnh lý như tai biến mạch máu não; bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, viêm tắc động tĩnh mạch; bệnh lý ngoài da; cơ xương khớp… Với việc đưa phương pháp laser nội mạch vào ứng dụng trong điều trị các bệnh mạn tính tại khoa Đông y thời gian qua cho thấy đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh mãn tính.
Hạnh Chi