Chị T.H, xã Đồng Hướng (Kim Sơn) bị nhiễm HIV từ chồng năm 2014 khi mới gần 30 tuổi. Sốc và suy sụp về tinh thần nên sức khỏe của chị xa sút rất nhanh, người gầy yếu lại mắc thêm nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội. Khi được các cộng tác viên gần gũi chia sẻ, vận động, tuyên truyền, tư vấn, chị T.H đã tới cơ sở y tế và được các cán bộ y tế điều trị khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tham gia điều trị thuốc ARV tại Trung tâm y tế Kim Sơn được gần 3 năm. Hiện sức khỏe của chị đã trở lại bình thường, người mạnh khỏe, vui vẻ, đi làm việc tại một công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghề để nuôi sống bản thân và con gái. Chị T.H cho rằng, chị đã "hồi sinh" nhờ được điều trị thuốc ARV. "Tôi không còn suy nghĩ, nhiễm HIV là đồng nghĩa với chấm dứt cuộc sống như trước đây. Hiện tại tôi vẫn sống khỏe mạnh như người bình thường và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, suy nghĩ về cuộc sống của tôi không còn bi quan nữa…" - chị T.H chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa quản lý điều trị, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh chia sẻ, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của điều trị ARV chính là sự tuân thủ điều trị của chính người nhiễm HIV. Thuốc ARV chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus HIV chứ không chữa khỏi hoàn toàn được. Do đó, người nhiễm HIV phải tham gia điều trị suốt đời, tuân thủ giờ giấc uống thuốc, không được tự ý bỏ thuốc dễ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc khiến bệnh nặng hơn, chi phí điều trị tốn kém hơn rất nhiều lần. Đặc biệt, người nhiễm HIV dù đang điều trị ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 8/1995, tính đến ngày 15/9/2017, lũy tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình là 3.858 người; trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.709 người; tổng số trường hợp chuyển giai đoạn AIDS còn sống là 1.080 người, tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.069 người. Đến 31/8, toàn tỉnh có 1.102 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị ARV, trong đó có 37 trẻ em. Trong đó, huyện Kim Sơn là 273 bệnh nhân, thành phố Ninh Bình là 193 bệnh nhân, huyện Nho Quan có 182 bệnh nhân, huyện Hoa Lư là 167 bệnh nhân… Theo kết quả theo dõi, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có dấu hiệu chững lại, mỗi năm số bệnh nhân nhiễm mới tăng không nhiều, chỉ vào khoảng hơn chục người. Tuy nhiên con số này sẽ không bền vững nếu không nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đối với đại dịch HIV/AIDS.
Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS nhưng tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực không ngừng triển khai toàn diện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ truyền thông, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV…. nhờ đó đã kìm chế được sự gia tăng của dịch, tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Theo đó, Ngành Y tế tỉnh đã kiện toàn, củng cố và mở rộng các điểm cấp thuốc đến tận xã, phường; đồng thời tăng cường năng lực, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên rà soát, thống kê, vận động người dân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV. Toàn tỉnh hiện có 9 phòng khám, trong đó có 1 phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, 8 phòng khám ngoại trú tại 7 bệnh viện đa khoa và 1 trung tâm y tế; 2 điểm cấp thuốc ARV cho bệnh nhân tại Trại giam Ninh Khánh và Trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06) và 17 điểm cấp thuốc ARV cho bệnh nhân tại xã, phường (Kim Sơn 10, Nho Quan 5 và Hoa Lư 2 điểm).
Theo bác sĩ Ngô Thị Hồng, việc điều trị thuốc trị ARV càng sớm càng tốt với những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ của một số người nhiễm HIV về lợi ích của điều trị ARV nên còn người nhiễm HIV biết tình trạng của mình nhưng chưa tham gia điều trị. Hiện toàn tỉnh mới có 86% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT, (riêng Trại giam Ninh Khánh và Trung tâm 06, tất cả bệnh nhân HIV/AIDS đều không có thẻ BHYT), tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia điều trị so với tỷ lệ chưa vào điều trị còn thấp, nguyên nhân là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự kỳ thị của xã hội vẫn còn nặng nề…. nên nhiều người bị nhiễm HIV không dám tham gia điều trị sợ bị công khai danh tính. Trước thực tế đó, ngành Y tế cần đào tạo bổ sung thêm nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ điều trị trực tiếp tại các phòng ngoại trú để thực hiện tốt công tác tư vấn, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Hiện tại, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 111, ngày 28/12/2016 về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình để bệnh nhân được hưởng các dịch vụ của thẻ BHYT, do đó cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tư vấn để người bệnh hiểu được lợi ích của việc tham gia BHYT, tham gia điều trị ARV. Cùng với đó thông báo cho người bệnh biết lộ trình việc cắt giảm thuốc của các nhà tài trợ để người bệnh có sự chủ động trong những năm tiếp theo… Phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90, đến năm 2020, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Đây là những mục tiêu cần thiết và quan trọng hướng đến mục đích nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của người nhiễm HIV và hướng tới mục tiêu chung kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Mỹ Hạnh