Gia Sinh vốn là vùng quê nghèo thuộc huyện Gia Viễn, địa hình đồi núi, không bằng phẳng, chất đất kém màu mỡ. Từ năm 2004, dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính được triển khai thực hiện. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống dân sinh. Đồng chí Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết: Từ nguồn thu của các hoạt động dịch vụ, nhiều hộ gia đình trong xã vốn là hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cao tầng, có của ăn, của để, mua sắm được các trang thiết bị đắt tiền trong gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2010 là 6,8%, năm 2011 giảm xuống còn 5,1%; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch mạnh: Nông nghiệp từ 90% xuống còn 30%; dịch vụ du lịch chiếm 70%. Nhân dân có việc làm thường xuyên, góp phần ổn định kinh tế địa phương, giảm tai, tệ nạn xã hội. Nhiều công trình phúc lợi xã hội cũng được triển khai xây dựng như: Trạm y tế xã, Trường THCS, Trường Mầm non, chợ; 11/11 xóm xây dựng được nhà văn hóa; 40,2/58 km đường giao thông trong xã được rải nhựa và đổ bê tông. Công trình nước sạch được xây dựng và đã lắp đặt đến tận nhà dân. Kiên cố hóa được 18,9 km kênh tưới, tiêu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra các nhà hàng, cửa hàng, đại lý, nhà ăn, nhà nghỉ... của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nhân cũng theo đà phát triển nhanh...
Ninh Vân là xã miền núi thuộc vùng bán sơn địa của huyện Hoa Lư. Xã có 13 thôn với 10.287 người. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,84% với cơ cấu kinh tế: 20% nông nghiệp, 80% tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,2 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 75 triệu đồng/ha canh tác. Xã có 2 nhà máy xi măng đóng trên địa bàn và nhân dân có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ nổi tiếng... Đặc điểm đó là cơ sở, điều kiện tốt cho Ninh Vân triển khai thực hiện chương trình XDNTM. Đồng chí Hoàng Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Sau khi hoàn thành bước khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn và so với Bộ tiêu chí Quốc gia, Ninh Vân có 6 tiêu chí đạt được (điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự ); 4 tiêu chí cơ bản đạt (trường học, nhà ở dân cư, thu nhập và giáo dục). Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã đã tập trung triển khai các bước trong chương trình, với sự phân công, phân nhiệm cụ thể, trong đó: Công tác thông tin tuyên truyền phải đi trước; xã đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng: đường thôn, ngõ xóm, kênh mương, trường tiểu học, trường mầm non, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, trạm cấp nước, xây nhà văn hóa xóm, rãnh thoát nước... với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng (nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng). Vận động được 12 hộ dân hiến 644 m2 đất, 65 hộ tháo dỡ nhà ở, cổng, tường, lều quán để mở đường giao thông thôn xóm. Tổ chức thu gom rác thải và mua 40 xe chở rác cho 13 khu dân cư... Trong nông nghiệp, xã thành lập các tổ dịch vụ, huy động vốn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; phát triển vụ đông; phát triển lúa chất lượng cao (109 ha) và nuôi trồng thủy sản với diện tích 2.238 m2. Đặc biệt, với lợi thế có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ truyền thống, xã đã tập trung phát triển, mở rộng lĩnh vực sản xuất TTCN. Lập quy hoạch và xây dựng làng nghề trên diện tích 23 ha, đã được tỉnh phê duyệt. Sản xuất TTCN và làng nghề ở Ninh Vân giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của địa phươn, vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là lĩnh vực sản xuất được xã ưu tiên phát triển, nhất là từ khi có Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 9-8-2006 của Tỉnh ủy và được coi là khâu đột phá, mũi nhọn trong thực hiện chương trình XDNTM, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Xã khuyến khích các hộ gia đình làm nghề và doanh nghiệp đầu tư KHCN, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất: Máy khai thác đá, xẻ đá, xẻ đá ốp lát xuất khẩu... trị giá hàng chục tỷ đồng (như các doanh nghiệp Tuấn Thành, Hệ Dưỡng, Thụy Thành...). Đến nay, toàn xã có 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 500 hộ cá thể và tổ hợp tác sản xuất... với tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực TTCN - làng nghề là 3.750/5375 người (chiếm 70%). Trong đó, lao động chế tác đá mỹ nghệ 2.550 người; lao động thêu ren, may công nghiệp, giày da 200 người; khai thác, chế biến vật liệu xây dựng 400 người; làm việc trong các nhà máy xi măng 300 người. Đến nay, 13/13 thôn của xã đều có người làm nghề đá mỹ nghệ (ban đầu chỉ có 3 thôn). Tỉnh đã công nhận làng nghề cho 5 thôn. Giá trị ngày công lao động làm nghề đạt từ 100.000-400.000 đồng với mức thu nhập 1 người đạt từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân phong phú, đa đạng và đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước cũng như đã xuất khẩu sang một số nước bạn.
Kim Đông là xã phía Nam của huyện Kim Sơn với 6 xóm, 1.000 hộ, 4.230 nhân khẩu và diện tích tự nhiên là 652,6 ha. Xã có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, mà chủ yếu là nuôi trồng thủy sản như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh... Đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thế mạnh như vậy, nhưng xã cũng bị ảnh hưởng lớn của điều kiện thời tiết, khí hậu: Bão, gió, mưa úng. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, xã Kim Đông đã huy động các nguồn lực hỗ trợ và vận động nhân dân đóng góp xây dựng được 3 nhà văn hóa, đến nay 100% các xóm trong xã đã có nhà văn hóa. Đã và đang đầu tư xây dựng các trường học. Trong đó: Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 năm 2011 và đang tiếp tục đầu tư khu B, Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2010, Trường THCS đang xây dựng 8 phòng học cao tầng và các công trình phụ trợ. Nghĩa trang nhân dân đã quy hoạch và đang tiến hành trồng cây xanh, xây tường bao. Xã có 992 hộ sử dụng nước giếng khoan từ nguồn nước ngầm hợp vệ sinh. Đến nay toàn xã có 120 hộ hiến 9.760 m2 đất để nâng cấp, cải tạo, mở rộng 3 tuyến đường trong thôn xóm (hộ hiến nhiều đất nhất tới 650 m2). Vận động nhân dân 4 xóm đóng góp tiền của, ngày công làm cầu đi qua kênh cấp II với kinh phí gần 30 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa, tu sửa nghĩa trang mỗi hộ góp từ 50.000-70.000 đồng và có hộ đã đóng góp tới 10 triệu đồng. Xác định phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là hướng đi quan trọng trong Chương trình XDNTM nhằm đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp, nông thôn. Xã đã giao cho các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... vận động hội viên của mình và các hộ gia đình nông dân xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng: Nuôi tôm sú, cua càng xanh, tôm thẻ chân trắng, ngao... và đang có 431,8 ha ao, đầm được đưa vào nuôi trồng thủy sản. Xã đã quy hoạch 30 ha ao, đầm vào nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp nhằm xây dựng cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, toàn xã có 795 hộ trực tiếp tham gia nuôi trồng thủy sản trong diện tích 431 ha. Trong đó có 331 ha nuôi tôm sú, 24 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và hàng năm còn có 76 ha nuôi cua càng xanh xen canh. Kết quả thu vụ 1 tôm sú đạt 76 tấn, giá trị khoảng 13,6 tỷ đồng. Nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư 250 triệu đồng/ha cho thu hoạch đạt giá trị 500 triệu đồng/ha. Nuôi cua xen canh đầu tư từ 15-20 triệu đồng/ha đạt giá trị từ 50-55 triệu đồng/ha. Trên địa bàn toàn xã có 65 hộ tham gia nuôi ngao tại vùng bãi triều Cồn Nổi. Đây là hướng nuôi trồng thủy sản mới với việc đầu tư cho 1 ha khoảng 300 triệu đồng, sau 1 năm cho sản lượng thu hoạch khoảng 35 tấn/ha, đạt giá trị từ 650-700 triệu đồng/ha. Đặc biệt, xã có 2 cơ sở chuyên sản xuất con giống, trong đó có cơ sở sản xuất giống ngao trong 7 tháng qua doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng...
Đó chỉ có 3 trong số hàng trăm xã nông thôn đã và đang triển khai XDNTM với việc chọn phát triển kinh tế, nâng cao thu ngập cho người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng: Đường, trường, trạm, trại... là khâu "đột phá" trên con đường xây XDNTM và bước đầu đã có kết quả; hình hài nông thôn mới đã hiện rõ.
Trường Sinh