Những đổi thay của thành phố trẻ bên sông Vân là thành quả 20 năm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố chung sức, đồng lòng với quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", xứng tầm vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả tỉnh.
Mở rộng không gian đô thị
Ngày 1-4-1992, thị xã Ninh Bình chính thức trở lại là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Bình. Vào thời điểm đó, thị xã được biết đến là một đô thị nhỏ, cơ sở hạ tầng thấp kém, từng được mệnh danh là thị xã "4 B" - "bụi, bẩn, buồn, bực" với "nhà không số, phố không tên". Đi lên từ điểm xuất phát thấp, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã chung sức, đồng lòng, khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và từng bước xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong quá trình phát triển, thành phố đã có những dấu mốc đáng nhớ, mỗi dấu mốc đều mở ra thời cơ mới và tạo động lực để thành phố vươn xa, hiện thực hóa mong ước xây dựng thị xã - thành phố sánh vai với các đô thị khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, ngay sau ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thị xã Ninh Bình cùng với các ngành chức năng của tỉnh đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch và tháng 7-1994, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thị xã Ninh Bình.
Sau gần 10 năm triển khai, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thị xã trong giai đoạn mới, tháng 11-2003, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Ninh Bình giai đoạn 2002 - 2020.
Năm 2004, một sự kiện lớn đánh dấu sự mở rộng, phát triển mới của thị xã, đó là Chính phủ ban hành Nghị định số 16 về việc sáp nhập 6 xã của huyện Hoa Lư về thị xã Ninh Bình, nâng tổng diện tích của thị xã lên 48 km2, dân số trên 10 vạn người, với 14 đơn vị hành chính.
Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã tập trung nguồn lực, huy động sự đóng góp trong nhân dân để xây dựng 6 xã nhanh chóng hòa nhịp với sự phát triển của đô thị, đồng thời bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 21-12-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với mục tiêu xây dựng, phát triển thị xã Ninh Bình trở thành đô thị loại III vào cuối năm 2005 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2007.
Thực hiện Nghị quyết này, thị xã tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở, vươn lên tương xứng với vị thế trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tháng 12 năm 2005, thành phố Ninh Bình được công nhận là đô thị loại III và ngày 7-2-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Ninh Bình.
Với quan điểm chỉ đạo, phát triển đô thị phải đảm bảo sự đồng bộ, cân bằng và bền vững, từ năm 2007 đến nay, thành phố đã tập trung điều chỉnh quy hoạch chi tiết các phường, xã; triển khai quy hoạch các khu đô thị mới, khu tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; quy hoạch khép kín khu dân cư trên địa bàn. Đến nay đã hoàn chỉnh vào công khai quy hoạch chi tiết 6/14 phường, xã. Thành phố đang phấn đấu hoàn thành quy hoạch chi tiết các phường, xã và triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng thành phố, đảm bảo các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015, từng bước xây dựng và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và phát triển
Trong quá trình đô thị hóa, xây dựng và phát triển, thành phố Ninh Bình gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai các dự án, các công trình xây dựng. Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển đô thị chính là sự đồng thuận, thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. 20 năm qua, thành phố đã liên tục triển khai công tác GPMB phục vụ cho các dự án.
Trong 5 năm gần đây, thành phố đã triển khai GPMB trên 100 dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh, thu hồi trên 700 ha đất, liên quan đến hơn 20.000 hộ dân. Tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác GPMB luôn là bài toán khó đặt ra cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Quá trình triển khai thực hiện, thành phố Ninh Bình luôn quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc" và một quy trình GPMB ''mẫu'' đã được hình thành và triển khai đồng bộ ở các cấp theo nguyên tắc "Dân chủ - công khai - công bằng - đúng luật". Trước tiên là công khai quy hoạch, dự án, chính sách đền bù; sau đó thông báo đối tượng, thời gian thu hồi; tổ chức đối thoại giải đáp thắc mắc của người dân; thông tin quá trình thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện. Trong công tác GPMB, lãnh đạo thành phố đã tăng cường đối thoại với nhân dân, qua đó đã kịp thời nắm bắt và có các giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Với cách làm đó, thành phố đã tạo sự đồng thuận của đại đa số nhân dân, nhiều hộ gia đình còn tự nguyện hiến đất để xây dựng đường giao thông, vỉa hè. Sự đồng thuận còn thể hiện trong việc nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện các chủ trương nhằm xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, đó là xóa bỏ đốt vôi; xóa bỏ đóng gạch xỉ, nghiền vôi; di chuyển một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành nhằm bảo vệ môi trường; tháo dỡ mái che, mái vẩy, mái hiên di động, biển quảng cáo ảnh hưởng tới hành lang an toàn giao thông và mỹ quan đô thị...
Có thể khẳng định, chính sự đồng thuận "lòng dân ý Đảng" đã là chiếc "chìa khóa vạn năng" mở ra nhiều cơ hội mới cho thành phố Ninh Bình trong quá trình phát triển. Từ một đô thị nhỏ, năm 1992 chưa có vỉa hè, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thấp kém, thành phố hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày với nhiều công trình bề thế, hiện đại, rồi đường mới, cầu mới bắc qua sông Đáy, sông Vân, các khu đô thị mới, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn...
Điểm nhấn đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh là sự kiện khánh thành cầu Non Nước, cây cầu bắc qua dòng sông Đáy nối 2 tỉnh Ninh Bình - Nam Định. Tiếp đó là cầu vượt Thanh Bình, cầu Lim, cầu Xi măng. Cùng với việc xây cầu là các dự án nạo vét, kè, xây dựng công viên cây xanh hai bờ sông Vân.
Để triển khai các dự án này, hơn 650 hộ dân sống ở bờ Tây và bờ Đông sông Vân đã di dời, bàn giao mặt bằng, đến những khu đô thị mới an cư lạc nghiệp. Mỗi một dự án được triển khai và hoàn thành, mỗi một công trình mới mọc lên đều ghi dấu ấn của sự đồng thuận và còn nhiều công trình khác đã và đang trở thành niềm tự hào của cán bộ, nhân dân thành phố trẻ, đó là Nhà thi đấu TDTT tỉnh khánh thành năm 2003, phục vụ cho SEAGames 22, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 giường hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2010, dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, khu du lịch sinh thái và công viên văn hóa Tràng An đang được khẩn trương hoàn thiện...
Những năm qua, thành phố Ninh Bình cũng được đầu tư hàng loạt dự án đường giao thông, dự án thoát nước như: Dự án nâng cấp Quốc lộ 10, Quốc lộ 1; đường ĐT 477; dự án cấp thoát nước ADB; dự án thoát nước chính thành phố; dự án đường nội thị...
Đặc biệt, chủ trương huy động vốn và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, trường học, trạm y tế, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng... đã có hiệu quả rõ rệt. Ước huy động đóng góp của nhân dân mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn thành phố được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 96%, tỷ lệ đường giao thông nội thành có vỉa hè đạt tiêu chuẩn chiếm 65%, có điện chiếu sáng công cộng đạt 77%.
Hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại
Với những thành quả đã đạt được, thành phố Ninh Bình đã và đang trở thành một thành phố năng động và đầy tiềm năng ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong xu thế hội nhập và phát triển, thành phố đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đô thị loại II vào năm 2015, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII đã xác định.
Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị là một nội dung quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II và hướng tới thành phố du lịch.
Theo đó, công tác quy hoạch trong giai đoạn này phải có tầm nhìn cho nhiều chục năm sau. Hiện nay, thành phố đang cùng với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu quy hoạch chung thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chi tiết các xã, phường; phân khu chức năng đảm bảo khoa học, hợp lý như: Khu chức năng, khu tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quy hoạch khép kín các khu dân cư trên địa bàn; khu công viên cây xanh, trung tâm văn hóa - thể thao, điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng và một số không gian công cộng khác.
Đồng thời thực hiện tốt việc phân cấp quản lý quy hoạch, phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của chính quyền xã, phường trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.
Tập trung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh của người dân thành phố cũng là một nội dung quan trọng thành phố đã và đang triển khai thực hiện.
Trở thành đô thị loại II sẽ nâng cao vị thế, tạo động lực mới cho thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo, có tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh, vùng liên tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Minh Châu