Ngay từ năm 2011, khi Chính phủ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, ngành điện đã sớm bắt nhịp và định hướng việc nâng cấp điện nông thôn theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ngành đã xây dựng hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu đến năm 2020 và làm tiền đề cho các năm tiếp theo, bảo đảm yêu cầu điện cho nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước, chủ yếu do các xã huy động người dân đóng góp, xây dựng nên không có quy hoạch và cũng không theo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong nhiều năm qua, do nhu cầu sử dụng điện ở khu vực nông thôn tăng nhanh, LĐHANT không bảo đảm đủ năng lực cấp điện dẫn đến nhiều khu vực điện áp thấp, mất an toàn và không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do việc xây dựng tự phát, chắp vá, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Quá trình vận hành, khai thác sử dụng lưới điện hầu như không được sửa chữa, nâng cấp, nên lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện không bảo đảm. Có nơi, điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V, tổn thất điện năng của lưới điện hạ áp nông thôn rất cao; khi tiếp nhận, rất ít xã có tỷ lệ tổn thất điện năng dưới 20%, thậm chí có nơi lên tới 40 đến 45%.
Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về điện của các xã nông thôn mới là: Hệ thống lưới điện bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật an toàn của ngành điện và có 99% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ hệ thống điện.
Để giúp các xã hoàn thành tiêu chí này, thời gian qua, Điện lực Ninh Bình đã tập trung bố trí sử dụng cho mục đích duy trì đảm bảo cấp điện ổn định và phục vụ các phụ tải mới.
Đến nay, việc nhận bàn giao LĐHANT cơ bản đã hoàn tất, ngành điện đã và đang tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp các trạm biến áp, trục hạ thế, thay thế đồng hồ đo điện đồng nhất, đạt tiêu chuẩn. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện Công ty phải vay thì mới đủ nguồn vốn thực hiện.
Năm 2010 - 2011, tận dụng được nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới từ chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 1 - DPL1, Công ty đã tập trung cải tạo lưới điện 52 xã nông thôn (tổng giá trị 189 tỷ đồng), trong đó có 11 xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2011.
Năm 2013, Công ty vay từ ngân hàng WB 80 tỷ đồng để cải tạo lưới điện 10 xã (trong đó có 3 xã đăng ký về đích trong năm), hiện dự án đã hoàn thành đóng điện và vận hành.
Năm 2014, Công ty vay từ ngân hàng KFW (Đức) 150 tỷ đồng để cải tạo lưới điện 24 xã (trong đó có 14 xã đăng ký về đích trong năm)... Tính đến hết năm 2016, đã có 60/119 xã của tỉnh về đích nông thôn mới, theo đó cũng có 60 xã đạt chuẩn về tiêu chí số 4 (tiêu chí điện) trong bộ tiêu chí Quốc gia.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng LĐHANT của 14 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.
Trên cơ sở đó ngành điện phối hợp với các địa phương từ các nguồn vốn khác nhau nâng cấp cải tạo LĐHANT, di chuyển cột điện ở lòng đường, nâng cao chất lượng điện năng... giúp cho các xã sớm hoàn thành tiêu chí về điện.
Công ty sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn hiện có để hoàn thiện đối với điểm chưa đạt yêu cầu theo tiêu chí; di chuyển cột điện do việc mở rộng đường giao thông nông thôn phục vụ cho công tác xây dựng nông thôn mới; thay thế các vị trí cột không đảm bảo trong vận hành...
Với số lượng các trạm biến áp, đường dây trung thế, đường dây hạ thế đã được đầu tư xây mới, cải tạo sau khi tiếp nhận, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tại các địa phương vùng nông nghiệp, nông thôn.
Trường Sinh