Tham dự Diễn đàn, phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện một số sở, ngành liên quan…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Nghị quyết Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 đã đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, với 14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội… Đến nay, sau 9 tháng thực hiện, mặc dù trong tháng 5 xảy ra việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển của nước ta, có tác động không thuận đến kinh tế-xã hội trong nước, nhưng đánh giá bước đầu vẫn đạt kết quả khả quan. Theo đánh giá của Chính phủ, có 12/14 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, có 2 chỉ tiêu không đạt là tạo việc làm và tỉ lệ lao động qua đào tạo.
Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, kinh tế-xã hội nước ta còn nhiều bất cập, kinh tế phục hồi với tốc độ còn chậm, chưa vững chắc; tốc độ tăng tiêu dùng còn thấp, khu vực sản xuất chưa có khởi sắc rõ rệt; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao... Trước thực tế đó, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tổ chức Diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong thời điểm Đảng ta đang chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, do đó, ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội... sẽ rất quan trọng trong việc đánh giá thực trạng, chỉ ra giải pháp cho những tháng cuối năm 2014 và năm 2015. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu dự Diễn đàn đánh giá kết quả thực hiện so với mục tiêu đề ra, chỉ ra nguyên nhân, tìm ra điểm nghẽn ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trường, thực hiện các đột phá chiến lược...
Phát biểu tại Diễn đàn, sau khi khái quát những tiềm năng, thế mạnh cũng như những thành tựu nổi bật của tỉnh Ninh Bình trong phát triển KT-XH những năm qua, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.ƯT Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Diễn đàn Kinh tế Mùa thu năm 2014 là cơ hội tốt để tỉnh Ninh Bình tiếp cận với những tư duy mới trong đổi mới thực hiện chủ trương tái cơ cấu các ngành kinh tế trên địa bàn, cũng là dịp để Ninh Bình quảng bá, giới thiệu thế mạnh và tiềm năng của địa phương, nhất là vào thời điểm này, các địa phương đang triển khai Chỉ thị 22, 23 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới và triển khai các đề án tái cơ cấu kinh tế ở địa phương. Hiện nay, các địa phương của tỉnh đang triển khai Chỉ thị 36 của Bộ chính trị về Đại hội Đảng các cấp, do vậy, việc đánh giá kết quả nhiệm kỳ cũng như xây dựng văn kiện chính trị cho Đại hội Đảng là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế của địa phương...
Trong 2 ngày diễn ra Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về chương trình tổng thểtái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đánh giá cao việc Chính phủ đã thay đổi cách thức lập kế hoạch xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo hướng trung và dài hạn, có đại biểu đề nghị, tới đây chính sách tài khóa cũng phải được lập theo định hướng này. Mặt khác, chương trình tái cơ cấu tuy chưa đạt được tốc độ như mong muốn, có thể là do chưa xác định đúng trọng tâm của tái cơ cấu, hoặc là xác định đúng trọng tâm, nhưng thực hiện chưa được quyết liệt.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, xác định ba trọng tâm tái cơ cấu là đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước là ba vấn đề khó khăn nhất, nên cũng cần phải có thời gian. Cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp bị tác động, hoặc được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu thì lại đề nghị cần mạnh mẽ hơn trong giải quyết nợ xấu và các chính sách cho vấn đề này cần phải cụ thể hơn.
Các đại biểu cũng đã thảo luận trên từng lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng,... tập trung vào thành phần kinh tế sở hữu Nhà nước, đặc biệt xoanh quanh doanh nghiệp Nhà nước trong vấn đề đầu tư công và cổ phần hóa; những bài học kinh nghiệm rút ra sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế….
Mỹ Hạnh-Thế Minh