Cùng dòng chảy những người con đất Việt về với Điện Biên, theo bước chân những người lính Điện Biên năm xưa, ở Nghĩa trang A1, tôi thấy nhiều mái đầu bạc trắng như cước, run run cắm nén hương thơm lên từng ngôi mộ. Đồng đội cũ gặp nhau, dẫu không thể tay bắt mặt mừng, nhưng nhờ nén hương nói hộ nỗi lòng với người đã khuất.
Sáu mươi năm trước, họ cùng chung một chiến hào, là những người xẻ núi, lăn bom, quyết hy sinh xương máu vì một Điện Biên chiến thắng. Sáu mươi năm sau, họ trở về chiến trường xưa với nỗi niềm cháy bỏng, mong có một phút để cùng nhớ lại những ngày tháng giành giật từng mét chiến hào, từng mỏm đồi, khe suối và cùng chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất đau thương 60 năm về trước...
Thành phố Điện Biên hôm nay khiêm nhường mà lộng lẫy, khác xa với ký ức năm nào. Sau hơn 20 năm được thành lập, bộ mặt đô thị đã đổi thay đến kỳ diệu. Thành phố đang tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng để trở thành đô thị loại II vào năm 2015, đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Hiện nay thành phố có 7 phường, gồm: Mường Thanh, Tân Thanh, Thanh Bình, Noong Bua, Him Lam, Nam Thanh, Thanh Trường và 2 xã Thanh Minh, Tà Lèng.
Thành phố Điện Biên hôm nay
Điện Biên đang tăng cường đầu tư phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch. Vùng kinh tế động lực Quốc lộ 279 tiếp tục được đầu tư; xây dựng Khu trung tâm huyện lỵ Điện Biên, thị trấn huyện Mường áng, khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang, vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà… Triển khai dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 12, Quốc lộ 279; dự án kè và xây dựng Công viên sông Nậm Rốm; dự án trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ; dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Him Lam; xây dựng Khu đô thị Hoàng Anh, khu dân cư ven sông phường Mường Thanh, Nam Thanh và các dự án tại khu vực trung tâm hành chính mới của tỉnh. Tập trung hoàn thành các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư thủy điện Sơn La tại phường Noong Bua, triển khai xây dựng tuyến đường từ Noong Bua đi Pú Tỉu.
Song song với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích đầu tư, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 9,64%. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 918,3 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Trong 3 năm 2011-2013, đã trồng mới hơn 1.600 ha cao su, 1.700 ha cà phê, 124 ha chè, nâng tổng diện tích trồng cây cao su lên 4.232 ha, cà phê lên 3.979 ha, chè lên 550 ha. Tổng thu ngân sách năm 2013 ước đạt 6.738 tỷ đồng, đạt 117,43 dự toán ngân sách. Toàn tỉnh có 125/130 xã có đường ô tô đến trung tâm; lưới điện Quốc gia đến 10/10 huyện, thành phố, thị xã; tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt gần 76%; tổng số kênh loại II được kiên cố hóa là 850/1.250 km.
3 năm qua đã có gần 13.000 hộ thoát nghèo, giảm từ 50,01% năm 2010 xuống còn 35,06% năm 2013. Trong 3 năm 2011-2013 đã huy động được trên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ trên 13.000 hộ làm nhà ở, hỗ trợ di chuyển để ổn định cuộc sống trên 1.000 hộ. Tập trung khai thác lợi thế phát triển dịch vụ, du lịch. Thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch; hình thành các khu du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp... Năm 2013 có trên 365.000 lượt du khách đã đến Điện Biên, tăng 60.000 lượt so với năm 2010, trong đó, khách quốc tế đạt 60.000 lượt. Doanh thu từ dịch vụ, du lịch ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2010.
Bên cạnh đó, Điện Biên đã tập trung chăm lo đời sống, đảm bảo chế độ, chính sách với những gia đình có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sỹ; xã bản nghèo, người nghèo; đảm bảo an sinh xã hội. Đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân. Kết hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Sau giải phóng, 100% nhân dân các dân tộc Điện Biên bị mù chữ, đến nay đã có 123/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 70/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II. Năm 2013, có 57% gia đình là gia đình văn hóa, tăng 0,85% so với năm 2010; số hộ dùng máy thu hình đạt 72%; 100% số xã có trạm y tế; 100% số dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu; 88% hộ dân được sử dụng nước sạch...
Điện Biên hôm nay, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, thách thức trên con đường hội nhập và phát triển, nhưng Đảng bộ và nhân dân Điện Biên đã phát huy truyền thống vẻ vang, cùng với nhân dân cả nước và các dân tộc Tây Bắc đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu...
Về Điện Biên, trải lòng mình với ngọn gió nam thổi dọc cánh đồng Mường Thanh, nghe tiếng chuông ngân lên từ tháp chuông của Nghĩa trang A1, để được lắng vào lòng mình những âm thanh da diết, nghẹn ngào của một thời máu lửa. Tạm biệt Điện Biên, âm thanh trầm hùng của bài hát "Qua miền Tây Bắc" cứ văng vẳng đâu đây, làm chúng tôi xao xuyến khôn nguôi…
Kỳ 4: Cái "bẫy" của người Pháp
Bài, ảnh: Xuân Tứ