Dọc theo quốc lộ 6, đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La cảnh sắc Tây Bắc hiện lên thật đẹp và hùng vĩ. Có những lúc mây sà xuống, vương trên ngọn cây, làm ướt cả áo người đi đường. Thú vị hơn, chuyến đi của chúng tôi lại đúng vào mùa hoa Ban nở. Nhìn những cây Ban cổ thụ, mọc cheo neo trên những sườn núi, cánh hoa trắng muốt tinh khôi tôi mới hiểu vì sao thứ hoa dại này lại gắn bó với đời sống tinh thần, tình cảm và trở thành biểu tượng đẹp của đất và người Tây Bắc.
Mảnh đất huyền thoại
Vượt đèo Pha Đin, chúng tôi đến Điện Biên. Mỗi địa danh nơi đây dường như vẫn còn in đậm những chiến tích đẹp như huyền thoại của cha ông ta cách đây hơn 5 thập kỷ. Điểm dừng chân của chúng tôi ở Điện Biên chính là khách sạn Him Lam- một khách sạn tiện nghi và thơ mộng, nằm trên quả đồi, ngay cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ. Dù đã thấm mệt vì vừa đi qua chặng đường gần 500 km, nhưng anh em trong đoàn vẫn háo hức muốn đến thăm ngay một số di tích lịch sử.
Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc lần đầu được đến với Điện Biên, được đứng trên đỉnh đồi A1 và tận mắt chứng kiến hệ thống phòng thủ hết sức kiên cố của quân đội Pháp khi chúng chiếm đóng Điện Biên. Cũng tại nơi đây đã từng diễn ra trận quyết chiến giữa ta và địch vào ngày 6/5/1954. Kết quả ta đã giành thắng lợi, tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch đã phải đầu hàng.…
Đến thăm hầm Đờcát, tôi bỗng nhớ hình ảnh trong những thước phim tư liệu: Bộ đội ta thừa thắng xông lên, Tướng Đờcát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng và lá cờ bách chiến bách thắng của quân đội ta tung bay phần phật trên nóc hầm, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở chiến trường Đông dương.
Khai mạc Tuần lễ văn hóa du lịch Điện Biên. Ảnh: P.V
Cách hầm Đờcát không xa là sân bay Mường Thanh. Đó là một vùng đất bằng phẳng, xanh mướt cỏ cây. Dẫu thời gian đã làm cho cảnh vật ở đây có nhiều thay đổi, nhưng người ta vẫn có thể nhận ra dấu tích của những trận đánh quyết liệt qua xác pháo, xe tăng và mảnh vụn máy bay địch nằm rải rác trên khắp cánh đồng Mường Thanh…
Chỉ sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, với 3 đợt tấn công sắc bén, mở màn bằng trận tấn công cứ điểm Him Lam và kết thúc bằng cuộc tấn công đánh vào sở chỉ huy Đờcát, bộ đội ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 binh lính Pháp, trong đó có 1 thiếu tướng, 16 đại tá, 353 sỹ quan, 1396 hạ sỹ quan; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh của chúng.
Sẽ là thiếu sót nếu như đến với Điện Biên mà không đến thăm căn cứ Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên khoảng 40 km. Đây chính là sở chỉ huy của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo chân chúng tôi vào thăm căn cứ Mường Phăng có cả một đội "hướng dẫn viên tình nguyện" nhí, đó là con em các gia đình người Thái sống trong vùng căn cứ cách mạng. Với chúng, dù chiến công năm xưa chỉ được biết qua sách vở và những câu chuyện kể của ông bà, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được niềm tự hào của chúng về quê hương mình trong lời " thuyết minh" với khách tham quan.
Căn cứ Mường Phăng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Đảng ủy, bộ chỉ huy chiến dịch đã ở và làm việc suốt thời gian chỉ huy chiến dịch Điện Biên. Tại đây, nhiều quyết định quan trọng, đúng đắn theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đã được đưa ra, đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi hoàn toàn.
Thăm Nhà trưng bày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khách tham quan sẽ được sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Bằng những vũ khí và phương tiện thô sơ như: Súng kíp, bazôka, xe đạp thồ, xe cút kít… quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ " lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".
Để bộ đội ta ăn no, đánh thắng, hàng nghìn tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm đã theo chân các đoàn dân công từ khắp mọi miền đất nước vượt đèo cao, suối sâu đến với Điện Biên.
Có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên (hay còn gọi là nghĩa trang A1) vào buổi chiều nhạt nắng, không gian thật yên tĩnh. Những ngôi mộ vẫn nghi ngút khói hương. Phần mộ của các liệt sỹ Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can được đặt ở những vị trí trang trọng, bên 640 phần mộ khác. Đông nhất là liệt sỹ con em quê hương Thanh Hóa, Nghệ An. Chúng tôi tranh thủ tìm phần mộ liệt sỹ quê Ninh Bình để thắp hương, có người tôi vẫn còn nhớ tên, đó là liệt sỹ Vũ Tất Thắng, quê ở Yên Mô, hy sinh ngày 15/3/1954 tại đồi Độc Lập. Thay lời kết
Chúng tôi thật may mắn vì được đến với Điện Biên đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên. Ngoài việc được đi thăm các di tích lịch sử, chúng tôi còn được tham dự một số hoạt động văn hóa trong khuôn khổ tuần lễ du lịch Điện Biên. Người Điện Biên hiếu khách, nồng hậu. Cảnh Điện Biên thật nên thơ, trữ tình. Tuy nhiên, đến nay Điện Biên vẫn còn là tỉnh nghèo, đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Theo lời phát biểu của ông Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tại cuộc họp Báo tuyên truyền kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 30%, gần 40% số dân chưa được sử dụng điện, thu ngân sách của tỉnh mới đáp ứng được 8% tổng chi…
Chính vì vậy, Điện Biên còn rất nhiều việc phảI làm. Đó là ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông, lưới điện; tranh thủ các nguồn lực xây dựng trường học, chỗ ở nội trú cho giáo viên và học sinh; triển khai có hiệu quả các chương trình 134, 135; quy hoạch lại thành phố Điện Biên, lấy phát triển du lịch làm khâu đột phá…
Để đạt được mục đích đề ra, ngoài những nỗ lực của đảng bộ, quân và dân các dân tộc Điện Biên, rất cần có sự đầu tư mạnh hơn, hiệu quả hơn của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội, với tinh thần " Điện Biên vì cả nước, cả nước vì Điện Biên" nhằm xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm kinh tế- văn hóa của vùng Tây Bắc, xứng đáng với truyền thống, tiềm năng của mảnh đất anh hùng.
Hà Trang