Chị Bùi Thị Ân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả cho biết: Cúc Phương là xã vùng cao với trên 90% đồng bào dân tộc Mường, trong đó thôn Bãi Cả có tới 97% là người dân tộc Mường. Trình độ của chị em không đồng đều, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều chị em ngại hoặc không muốn tham gia vào tổ chức Hội.
Do vậy, các phong trào thi đua của tổ chức Hội chưa thực sự mạnh. Làm thế nào để thu hút chị em phụ nữ dân tộc Mường tích cực tham gia tổ chức Hội luôn là câu hỏi mà Ban chấp hành Chi hội đặt ra trong mỗi kỳ sinh hoạt Chi hội. Năm 2016, Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả được Hội Phụ nữ tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình "Chi hội phụ nữ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thu hút 100% phụ nữ dân tộc tham gia tổ chức Hội".
Triển khai mô hình, Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả đã tổ chức rà soát từng hộ dân, nắm tình hình phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Từ đó lập danh sách phụ nữ đủ điều kiện mà chưa vào Hội, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lý do phụ nữ chưa vào Hội. Ban chấp hành Chi hội đã phân chia theo độ tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế và một số tiêu chí đặc thù để tìm biện pháp vận động cho phù hợp với từng chị em. Ban chấp hành Chi hội và một số hội viên nòng cốt đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp chị em hiểu được vai trò, vị trí của tổ chức Hội cũng như những lợi ích thiết thực khi tham gia vào tổ chức Hội Phụ nữ.
Nhằm giúp chị em nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào của Hội phụ nữ, căn cứ tài liệu của Tỉnh hội, Huyện hội, Ban chấp hành Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả đã biên soạn thành các câu hỏi ngắn và tổ chức các cuộc thi nhỏ để chị em bốc thăm, trả lời câu hỏi. Với hình thức này đã giúp Chi hội chuyển tải đến hội viên về các nội dung tài liệu sinh hoạt Chi hội một cách dễ hiểu, dễ nhớ.
Bên cạnh đó, Chi hội đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phù hợp với phong tục, tập quán, trình độ nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc Mường. Tại nhiều buổi sinh hoạt, Ban chấp hành Chi hội mời cán bộ Hội Phụ nữ huyện về nói chuyện chuyên đề với các nội dung thiết thực với đời sống chị em như: làm thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc, nuôi dạy con khoa học? kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng... Qua đó chị em có thêm kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Cũng theo chị Bùi Thị Ân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả: Nhiều năm trước đây, do điều kiện kinh tế của đồng bào trong thôn còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không được đồng bào chú trọng. Bên cạnh đó, một bộ phận thế hệ trẻ người dân tộc Mường hiện nay không ý thức được hết tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình nên việc lưu truyền những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống gặp nhiều trở ngại.
Với mong muốn lưu giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Mường, Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả đã thành lập "Câu lạc bộ phụ nữ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường". Để Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, Chi hội đã mời các nghệ nhân trong thôn truyền dạy cho thế hệ trẻ biết được những làn điệu dân ca Mường, giúp chị em biết nguồn cội, tích cực tham gia giữ gìn tiếng nói, phong tục, tập quán của người xưa để lại.
Câu lạc bộ phụ nữ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại thôn Bãi Cả sinh hoạt đều đặn vào tối thứ bảy hàng tuần. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, tất cả các thành viên trong Câu lạc bộ tổ chức đi chúc Tết theo "phường bùa", qua đó lan tỏa tinh thần dân tộc trong mỗi hội viên. Hoạt động của Câu lạc bộ góp phần gắn kết, lưu truyền những giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống của người dân tộc Mường từ xưa đến nay.
Không chỉ quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần, để rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho chị em nói chung, phụ nữ dân tộc Mường nói riêng, Chi hội đã thành lập đội "Bóng chuyền hơi", duy trì việc tập luyện và tổ chức thi đấu giao lưu. Đây cũng là bí quyết để Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả thu hút chị em vào tổ chức và gắn bó với Hội.
Ngoài ra, để tạo không khí vui vẻ, sôi nổi, Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả còn tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn các bài hát của người Mường, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh mảng, chơi bóng chuyền hơi tại sân nhà văn hóa của thôn. Qua các hoạt động này đã tạo niềm vui, sự đoàn kết, gắn bó và giải tỏa mệt mỏi cho chị em sau một ngày lên nương, lên rẫy vất vả. Việc làm này cũng giúp chị em dân tộc Mường tự tin hơn trong các hoạt động tập thể và dễ dàng bày tỏ ý kiến, đề xuất của mình với Chi hội.
Đổi mới trong vận động phụ nữ vào sinh hoạt Hội đã giúp chị em thấy được giá trị tinh thần mà tổ chức Hội mang lại, nhiều chị em tích cực tham gia sinh hoạt hơn. Đến năm 2017, Chi hội đã thu hút được 81/81 chị, đạt 100% phụ nữ dân tộc Mường của thôn Bãi Cả vào Hội. Đến nay Chi hội vẫn duy trì tỷ lệ chị em tham gia tổ chức Hội đạt 100%, tăng 20% so với năm 2016.
Tại các kỳ sinh hoạt, chị em tham gia đông đủ, hào hứng, tỷ lệ dự sinh hoạt thường xuyên đạt từ 90 đến 95%. Thực hiện tốt công tác tập hợp phụ nữ đã giúp Chi hội Phụ nữ thôn Bãi Cả triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua ở địa phương, nhất là phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới", góp phần xây dựng xã Cúc Phương ngày càng đổi mới, phát triển.
Mai Lan