Đường bê tông chạm ngõ từng nhà phẳng lỳ, sạch sẽ, trên 80% nhà trong thôn được xây kiên cố, hầu hết các hộ đều có xe gắn máy, thu nhập bình quân đầu người đạt 6-7 triệu đồng/người/năm. 10 năm liền Đức Hậu là một trong những thôn điển hình của huyện đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.
Bác Nguyễn Xuân Tuyển, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn cho biết: Có được kết quả đó, chi bộ thôn đặc biệt chú trọng vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, coi đây là động lực, là mục tiêu để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cả thôn hiện có 158 hộ dân với 574 khẩu. Trước đây, kinh tế của các hộ dân chủ yếu làm nông nghiệp với năng suất, chất lượng không cao, sau thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thì kinh tế nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, thôn luôn nêu cao tinh thần dân chủ trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các thiết chế về văn hóa, thể thao. Đặc biệt trong việc dồn điền, đổi thửa chuyển vùng cấy lúa có năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản kết hợp, người dân luôn biết phát huy tối đa tính dân chủ, tự bàn bạc, tính toán cân đối thu chi, tiến hành thi công, giám sát. Vì vậy, bà con hết sức tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Các chủ trương được triển khai kịp thời, hiệu quả. Các phong trào, cuộc vận động luôn tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân. Các khoản đóng nộp ngân sách Nhà nước, nghĩa vụ của địa phương luôn đạt chỉ tiêu.
Hiện, trong thôn có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, điển hình như mô hình vườn-ao-chuồng kết hợp của gia đình anh Hà Văn Tuấn, mô hình ao cá của anh Hà Văn Đính, trừ chi phí cho thu nhập từ 30-60 triệu đồng/năm. Những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được mở rộng và phát triển cũng tạo thêm nguồn thu nhập lớn trong nhân dân. Đến nay, cả thôn có trên 70% hộ giàu và khá; 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 100% số hộ sử dụng điện sinh hoạt và có công trình vệ sinh khép kín.
Kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần được quan tâm chú ý hơn. Đặc biệt, kể từ khi được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh vào năm 2001, người dân nơi đây hết sức phấn khởi, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh mẽ, tạo khí thế thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ huy động nội lực và kêu gọi con em xa quê hương đóng góp tiền của, đến nay thôn Đức Hậu đã có Nhà văn hóa rộng 60 m2 khang trang, sạch đẹp nằm trong khu sân chơi, bãi tập thể thao, tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt và tổ chức các hoạt động tập thể của bà con trong thôn. Việc cưới, việc tang trên địa bàn được thực hiện theo nếp sống mới, cơ bản được tổ chức gọn, nhẹ, tiết kiệm. Công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng được quan tâm, hàng năm, vào dịp Tết Trung thu thôn, các dòng họ trong thôn đều trích quỹ khuyến học thưởng cho những học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi các cấp, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, hàng năm, thôn đều có từ 7-8 em đỗ vào các Trường đại học, cao đẳng; không có học sinh bỏ học, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân được đẩy mạnh, do vậy, tình hình an ninh trong thôn luôn ổn định, không xảy ra vụ việc phức tạp, mất đoàn kết. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, các tổ liên gia được thành lập và duy trì hoạt động tốt. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo từ thiện, ủng hộ các loại quỹ luôn được bà con nhiệt tình đóng góp. Qua bình xét các hộ gia đình văn hóa hàng năm, trung bình đều đạt từ 90-95% số hộ/năm.
Bài, ảnh: Hà Mi