Để tìm hiểu về sức hút của các trò chơi trên mạng internet, phải gặp được các bậc phụ huynh có con em đang là học sinh THCS, THPT mải chơi và thường xuyên có mặt tại các quán internet mới thấm thía được hết "đoạn trường" của thế nào là "nghiện"game. Có bà mẹ giám sát con trai đi học cả chính khóa và học thêm buổi tối bằng cách theo sát con, thậm chí đưa con đến địa điểm học. Nhưng chỉ đợi xe của mẹ vừa quay đi, cậu ta đã nhanh chân ra hàng game xếp chỗ.
Lại có gia đình, biết là con thường xuyên có mặt ở quán game nhưng tìm suốt mà không thể biết được điểm con mình hay ngồi, vô tình một ngày người hàng xóm phát hiện ra cu cậu chẳng đi đâu xa mà chui ngay vào quán internet ngay phía sau nhà cậu ta. Có gia đình, sau một thời gian mới để ý kỹ đến việc học của con, thấy việc học hành quá sa sút, cất công tìm hiểu mới biết con mình nhiều năm đã là "đệ tử" của game…
Một lần, đưa con ra quán nét gần nhà để cháu thi giải Toán do mạng ở nhà bị hỏng, về nhà mà bác Nguyễn Văn Linh (phường Thanh Bình- thành phố Ninh Bình) cứ trầm ngâm: Cả quán toàn thấy thanh niên và học sinh. Mấy đứa cứ say sưa kể về các thành tích đạt được trong chơi game mà ban đầu tôi nghe không hiểu gì. Nào là sát thủ truyền kỳ, thập bát chưởng, siêu hùng đại chiến, thanh trừng tội phạm…nghe cứ như trong phim. Mà chỉ là trò chơi nhưng thấy kể cũng thành lập câu lạc bộ, có gặp gỡ, giao lưu, rồi tiền mua vũ khí chiến đấu…Mấy cô, cậu học sinh khác thì đang dán mắt vào màn hình chít, chát, phây phúc. Qua tìm hiểu ở một số quán nét, đã có nhiều tình bạn từ game được kết nối và duy trì, một số câu lạc bộ được thành lập…Tuy nhiên, những bạn game nói trên chủ yếu là lười lao động, học tập, đó có thể là học sinh, hoặc là người lao động tự do, có điều kiện về kinh tế…
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông được biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 250 đại lý internet đang hoạt động cung cấp dịch vụ internet và dịch vụ trò chơi điện tử công cộng qua mạng. Về quy mô, nhìn chung các đại lý có quy mô nhỏ, số ít các đại lý có quy mô lớn tập trung chủ yếu tại thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp. Trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Sở Thông tin và truyền thông đã đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ internet.
Hàng năm, công tác thanh, kiểm tra của Sở Thông tin và truyền thông cũng như hoạt động thanh tra đột xuất, thanh, kiểm tra của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, của chính quyền địa phương…đã phát hiện nhiều đại lý để xảy ra các vi phạm: không đảm bảo cự ly cách khuôn viên trường học tối thiểu 200m, chưa đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, chưa niêm yết hoặc niêm yết chưa đầy đủ nội quy sử dụng dịch vụ internet tại địa điểm kinh doanh, để khách chơi game quá giờ quy định, để trẻ em dưới 14 tuổi chơi không có người bảo lãnh, cho khách hàng truy cập vào các trang web đồi trụy…
Hiệu quả từ công tác thanh, kiểm tra hàng năm góp phần giảm dần số cơ sở vi phạm: Năm 2012 là 47/74 cơ sở được kiểm tra có vi phạm; Năm 2013 kiểm tra 90 cơ sở, đã xử phạt vi phạm hành chính 2 đối tượng với số tiền 2 triệu đồng, tạm giữ 4 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Năm 2014 kiểm tra 92 cơ sở, đã xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với số tiền 11 triệu đồng, tạm giữ 1 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Cùng với hoạt động thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý theo quy định, các cuộc thanh, kiểm tra còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho chủ các đại lý kinh doanh dịch vụ internet, góp phần từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người kinh doanh dịch vụ.
Phần lớn các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet; đảm bảo quy định tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; chấp hành quy định thời gian mở, đóng cửa; địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông từ 200 mét trở lên; bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy; tổng diện tích các phòng máy đảm bảo đủ điều kiện…
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 22-8-2014 về việc ban hành "Quy định về quản lý hoạt động đối với các điểm truy cập internet công cộng, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh". Theo đó, quy định khá chặt chẽ về các nội dung: khoảng cách từ điểm truy cập internet công cộng, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tới cổng trường từ 200 mét trở lên; thời gian hoạt động từ 6h- 22h trong ngày; nội quy sử dụng dịch vụ phải được đóng khung và treo ở nơi mọi người dễ nhận biết nhất, điều kiện hoạt động của điểm truy cập; trách nhiệm của doanh nghiệp, đại lý khai thác dịch vụ truy cập internet, người sử dụng dịch vụ…
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như: Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Giáo dục- đào tạo, các huyện, thành phố, thị xã…được quy định rõ nhằm đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ internet từng bước đi vào nền nếp, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật từ việc kinh doanh, sử dụng dịch vụ internet.
Bùi Diệu