Sau những ngày vui Xuân, đón Tết, những người ở vùng trồng đào xã Kim Định (Kim Sơn) lại tất bật với công việc chăm sóc, tỉa cành bị sâu, yếu để trồng lại những cây đào thế sau khi người dân chơi Tết xong đem gửi lại ở các vườn đào. Đang cùng đội thợ tất bật với công việc chăm sóc vườn đào, anh Nguyễn Văn Chung, Giám đốc HTX đào Kim Định cho biết: Quá trình chăm sóc đào sau Tết đòi hỏi chủ vườn phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, việc đầu tiên là phải làm đất, bởi sau một lứa đào thì đất đã không còn được tơi xốp nên để đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của cây bắt buộc phải cải tạo lại đất.
Vụ đào Tết năm nay, gia đình tôi có hơn 200 cây đào, trong đó 70% là đào thương phẩm được khách hàng thuê, mua để chơi Tết. Với các gốc đào cho thuê dịp Tết, chúng tôi hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc để tăng sức bền của cây và hoa. Qua Tết, từ ngày mùng 6 tháng Giêng trở đi, khách hàng thuê đào sẽ gọi chúng tôi tới mang đào về chăm sóc. Thời điểm này, cây đào chưa bị héo, các gốc đào mới trồng gặp mưa xuân sẽ cung cấp đủ độẩm, giúp cây nhanh phát triển. Vì đây là thời điểm quan trọng để tạo ra những cây đào thế đẹp cho năm sau. Do đó, các khâu trong quá trình trồng, chăm sóc cây đào đầu năm được gia đình tiến hành tỉ mỉ từ việc xử lý rễ, cắt tỉa cành, xử lý đất, cung cấp độ ẩm và phòng, trừ một số bệnh thường gặp trên cây. Diện tích trồng đào phải đủ ánh sáng để cây phát triển tốt, các gốc đào phải được vun cao từ 20 đến 25 cm để tránh ngập úng.
Anh Chung cho biết thêm, hiện nay nhu cầu thuê đào chơi Tết của người dân ngày càng tăng, tuy nhiên do diện tích đất còn hạn chế nên hiện nay anh phải từ chối nhận một số khách gửi nhờ chăm sóc. Vì vậy, anh mong muốn trong thời gian tới có thể thuê thêm diện tích đất của xã để mở rộng vùng trồng đào, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hiện nay, với công việc thu gom, "hồi sinh" cây đào sau Tết cũng đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Mỗi dịp Tết, gia đình anh Chung phải thuê từ 8-10 lao động chuyên chở và trồng đào. Trong vòng nửa tháng, họ cần mẫn mang vác, chuyên chở và có thể thu được từ 8-15 triệu đồng mỗi vụ đào Tết. Mấy năm gần đây, người dân đã có nhiều thay đổi trong cách chơi đào. Họ thường mua những cây đào đẹp, thế dáng độc lạ với giá cao để chơi Tết. Hết Tết lại gửi các nhà vườn chăm sóc, đến Tết tiếp theo lại mang đào về chơi, vừa đỡ tốn tiền lại có được cây đào ưng ý. Cũng từ đó dịch vụ chăm sóc đào sau Tết ngày càng phát triển, trở thành nghề mưu sinh của nhiều người. Song nghề nào cũng có những rủi ro, cũng phải vất vả để có những cây đào phát triển khỏe mạnh, ra hoa đẹp, đúng Tết không phải là chuyện dễ…
Anh Công ở xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) cho biết: Gia đình tôi mua cây đào được 3 năm và năm nào cũng tầm mùng 10 Tết nhờ chủ vườn cho người đến chở cây về chăm sóc. Vì dáng cây đào này rất đẹp nên tôi không muốn đổi, cũng không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Tôi yên tâm gửi cho nhà vườn bởi đào được nuôi dưỡng đúng cách và năm nào cũng nở hoa đẹp vào đúng dịp Tết. Với tôi, dịch vụ này rất tiện lợi và giúp gia đình bớt được một khoản chi phí khi hàng năm cứ phải đầu tư, tìm kiếm, lựa chọn cho mình một cây đào ưng ý để chơi trong những ngày Tết cổ truyền. Vụ đào mới lại bắt đầu với sự ủng hộ của tiết trời xuân. Dù là đầu vụ nhưng người dân ở các vùng trồng đào rất chuyên tâm, cẩn thận với hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa và đào sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán năm sau.
Bài, ảnh: Tiến Đạt