Bà Trịnh Thị Phương, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoa Lư cho biết: Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở xã Ninh Khang vào đầu tháng 3/2019, ngay lập tức huyện đã vào cuộc quyết liệt xử lý dập dịch thành công, đến 8/4 Hoa Lư đã công bố hết dịch.
Tuy nhiên, ngày 1/5 dịch tả lợn châu Phi đã tấn công trở lại và đến nay đã lan rộng đến 10/11 xã, thị trấn trong huyện. Mặc dù huyện và các cơ quan chuyên môn trong huyện đã nỗ lực vào cuộc nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khống chế đợt dịch mới này...
Tại huyện Yên Khánh, dịch tả lợn châu Phi cũng đã và đang lây lan mạnh. Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Khánh cho biết: Đến ngày 23/5, trên địa bàn huyện đã có 18/19 xã công bố dịch tả lợn châu Phi.
Trong lúc "nước sôi lửa bỏng" như hiện nay, cán bộ của Trạm mỏng nên phải đi làm từ sáng sớm cho đến tận tối khuya mà vẫn khó kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh này. Điều đáng lo ngại là dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, ở hầu hết các thôn, xóm với tỷ lệ cao. Điển hình tại xã Khánh Thành, dịch bệnh xuất hiện ở 22 thôn; Khánh Trung 20 thôn; Khánh Công là 19 thôn.
Tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho biết: Đến ngày 31/5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 8/8 huyện, thành phố của tỉnh; 125 xã, phường, thị trấn; 658 thôn, xóm; 3.851 hộ, gia đình. Toàn tỉnh đã tiêu hủy 35.943 con lợn mắc bệnh với tổng trọng lượng là 2.068,2 tấn.
Huyện Hoa Lư có dịch ở 164 hộ, gia đình; 42 thôn, xóm của 10 xã, thị trấn với tổng trọng lượng đã tiêu hủy là 106 tấn. Nho Quan có 753 hộ, gia đình; 112 thôn, xóm của 24 xã, thị trấn có dịch và đã tiêu hủy 493,5 tấn.
Thành phố Ninh Bình có 94 hộ, gia đình ở 34 thôn, xóm của 11 xã, phường có dịch và đã tiêu hủy 35,8 tấn.
Kim Sơn có 83 hộ, gia đình; 50 thôn xóm của 18 xã, thị trấn có dịch và đã tiêu hủy 130,5 tấn. Gia Viễn có 2.071 hộ, gia đình; 153 thôn, xóm của 21 xã thị trấn có dịch và đã tiêu hủy 642,2 tấn.
Yên Khánh có 462 hộ, gia đình; 156 thôn, xóm của 18 xã, thị trấn có dịch và đã tiêu hủy 466,2 tấn. Yên Mô có 191 hộ, gia đình; 95 thôn, xóm của 17 xã, thị trấn có dịch và đã tiêu hủy 160,2 tấn.
Thành phố Tam Điệp có 32 hộ, gia đình; 16 thôn, xóm của 6 xã, phường có dịch và đã tiêu hủy 33,1 tấn.
Như vậy, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan và phát triển ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh với nguy cơ vẫn còn đang lây lan nhanh, mạnh.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi -Thú y tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh. Đó là sự gia tăng của tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; do cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước, vùng lãnh thổ châu á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...).
Bên cạnh đó phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Điều quan trọng hơn cả là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm; nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến cho công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch còn chưa quyết liệt, triệt để; thiếu người và phương tiện trong khi đường ngang ngõ tắt ra vào các điểm dịch lại nhiều, không kiểm soát hết. Một vấn đề nữa là quy trình xử lý các ổ dịch cũng chưa nghiêm ngặt, hoàn hảo: Hố chôn lợn dịch chưa đúng quy định, di chuyển xa qua nhiều hộ dân làm phát tán vi rút...
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện tốt "5 không" theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Các trang trại chăn nuôi lớn nên hạn chế vào đàn thời điểm này để tránh nguy cơ lây nhiễm; bên cạnh đó, cần tăng cường công tác sát trùng chuồng trại, hạn chế người ra vào trại khi không cần thiết, khi vào phải qua sát trùng; nhập lợn giống, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng và giám sát tình trạng sức khỏe của đàn lợn hàng ngày. Người dân tuyệt đối không nên giấu dịch; một khi phát hiện đàn lợn có triệu chứng, cần thông báo tới cơ quan thú y địa phương để tiến hành xét nghiệm, khử trùng, tiêu hủy và được hỗ trợ tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất khó lường vì nguồn lây rất đa dạng, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết lên đến 100%. Do đó việc phòng, chống bệnh dịch cần sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức, hành vi cho mọi người, nhất là người chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ việc bán "chạy", bán "chui" lợn bệnh của một số cơ sở chăn nuôi nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Đinh Chúc