Tốc độ Lây lan nhanh Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin: Từ ngày 9/3, ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư với 59 con lợn bị tiêu hủy. Gần một tháng sau, dịch bệnh lan đến huyện Nho Quan. Sau đó, liên tiếp các ngày 18/4, 19/4, 21/4, 24/4, 26/4, lần lượt các huyện thành phố: Ninh Bình, Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô công bố có dịch.
Đã có gần 400 con lợn bị tiêu hủy. Toàn tỉnh có duy nhất thành phố Tam Điệp là chưa có dịch. Riêng ổ dịch ở huyện Hoa Lư, sau hơn 1 tháng kiểm soát tốt, không có trường hợp lợn mắc mới, địa phương này đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Về nguyên nhân lây lan, bùng phát dịch, ông Mạnh cho biết, kết quả điều tra, xác định nguyên nhân bước đầu là do một số hộ chăn nuôi vô tình mua phải lợn giống từ vùng có dịch về. Cụ thể như trường hợp ổ dịch tại hộ ông Bùi Văn Lựu, thôn Ngải, xã Văn Phong, huyện Nho Quan, trước đó, hộ này đã mua 3 con lợn rừng ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (địa phương đang có dịch) về làm giống.
Tương tự như vậy, hộ ông Trần Văn Sơn ở xóm Khanh Hải, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn vào đầu tháng 4 đã mua lợn giống từ tỉnh Nam Định về và chỉ 2 tuần sau đó đàn lợn có triệu chứng tiêu chảy, sốt, bỏ ăn, một số bị chết không rõ nguyên nhân. Lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Một nguyên nhân phổ biến khác là do tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi của người dân, đó là trường hợp ổ dịch ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư và phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình.
Ngoài ra, do virút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Căng mình dập dịch
Được biết, hiện Ninh Bình có hàng trăm trang trại, gia trại chăn nuôi và hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn lợn là 350 nghìn con. Mặc dù dịch đã xuất hiện tại 7/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhưng mỗi địa phương mới chỉ có 1-2 ổ dịch nhỏ tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để tránh việc dịch bệnh có thể lây lan rộng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, các cơ quan chức năng đang cắt cử lực lượng để khống chế dịch.
Sở Nông nghiệp & PTNT điều động hàng chục cán bộ, công chức và người lao động thuộc các chi cục, phòng, ban, đơn vị về trạm thú y các xã, phường, thị trấn để hỗ trợ phòng, chống dịch; hướng dẫn hộ dân phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cách vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn lợn tránh nhiễm bệnh.
Trên địa bàn tỉnh đã thành lập khoảng 30 chốt kiểm dịch. Cấp tỉnh có 3 chốt có lực lượng liên ngành để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, các chốt này được đặt tại các trục đường giao thông chính: cầu Khuốt, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; cầu Non Nước, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, Dốc Xây, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp. Cấp huyện thành lập được 5 chốt ở Nho Quan.
Tại các xã thành lập được hơn 20 chốt. Việc thành lập chốt được thực hiện không chỉ ở nơi đã xuất hiện dịch mà ở cả những khu vực giáp ranh, vùng đệm, vùng dịch uy hiếp chưa xảy ra dịch. Các chốt duy trì quân số trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra bên ngoài, phun thuốc tiêu độc, khử trùng phương tiện đi lại, người ra vào vùng dịch, kiểm soát việc tiêu hủy lợn bị dịch; khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vận chuyển qua chốt khi được phép đi qua theo quy định.
30 nghìn lít hóa chất khử trùng và hàng trăm tấn vôi bột cũng đã được cấp phát để các địa phương tổ chức các đợt khử trùng tiêu độc môi trường và chuồng trại chăn nuôi. Tập trung cao cho khu vực có ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; trong đó, vùng dịch và vùng uy hiếp tiến hành khử trùng hàng ngày.
Đối với cơ sở chăn nuôi lợn, thực hiện phát quang cây cỏ xung quanh, quét dọn, thu gom phân, rác thải để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; nâng cao mức độ an toàn sinh học; thường xuyên rắc vôi khử trùng, kiểm tra hố sát trùng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện sử dụng vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, các đội tuần tra lưu động cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận chuyển lợn, kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, không để lợn mắc bệnh được giết mổ mang đi tiêu thụ. Cơ quan Thú y tiếp tục tăng cường lấy mẫu máu và nội tạng lợn ở nhiều trang trại, địa phương khác nhau để sớm xác định các trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Về chính sách hỗ trợ đối với các hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Về cơ bản sẽ theo tinh thần của Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 7/3/2019 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2019. Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra.
Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. Chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn. Do vậy, bà con có thể yên tâm, không nên bán tháo lợn trong vùng dịch và không giấu dịch, ngăn chặn dịch lây lan sang nơi khác.
Hà Phương