Các di tích khảo cổ thế kỷ thứ X không phải là nhiều, cho đến nay, di tích quan trọng nhất và được nghiên cứu nhiều nhất của thời kỳ này chính là Khu di tích Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, Hoa Lư), đã đem lại nhiều tư liệu mới, cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn bức tranh văn hóa Việt Nam thế kỷ X trong lịch sử văn hóa Việt Nam; phản ánh sự phục hưng và phát triển của văn hóa Việt Nam với bản sắc dân tộc đậm nét, đồng thời có ý nghĩa quan trọng chứng minh cho Quần thể danh thắng Tràng An có giá trị nổi trội về cảnh quan văn hóa xuyên suốt từ thời tiền sử và hiện tại.
Đầu thế kỷ X, khi người Việt vùng lên giành độc lập, Đinh Tiên Hoàng xưng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt tên nước, quốc hiệu, mở mang chùa chiền, phát triển ca múa nhạc…, văn hóa Việt Nam dần phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) cho biết: Các cuộc điều tra khảo cổ học cho thấy thành Hoa Lư có quy mô to lớn, được xây dựng trên cơ sở nối liền nhiều quả núi thiên nhiên lại với nhau bằng các đoạn tường thành. Thành được xây đắp bằng gạch, bằng đất; có tất cả 11 đoạn tường thành, như vậy được xây dựng nối liền hơn chục quả núi để tạo thành một khu vực rộng khoảng 300 ha. Việc khai quật các đoạn thành Đông và Đông-Bắc cho thấy tường thành được xây dựng rất công phu và kiên cố. Móng tường dùng cành cây, gỗ và đất sét để chống lún, mặt trong xây bằng gạch, mặt ngoài đắp bằng đất, chân thành rộng 15-20m, mặt thành rộng 8-10m. Lợi dụng các quả núi thiên nhiên kết hợp với các đoạn tường thành đắp nhân tạo đã tạo nên một vòng thành độc đáo và vững chắc…
Trong khu vực Đền thờ Vua Lê còn tìm thấy 6 vị trí có vết tích kiến trúc. Đó là các nền móng kiến trúc được lát bằng gạch lát nền. Có nền được lát bằng loại gạch hình chữ nhật có kích thước lớn, mặt gạch trang trí 2 bông hoa sen lớn; các nền khác đều được lát bằng loại gạch vuông, mặt gạch trang trí hoa sen và hình chim phượng. Các nền kiến trúc được bố trí cao thấp khác nhau, có nền chỉ cách mặt đất hiện tại 45 cm, có nền ở độ sâu 1 m, 2 m. Tại các vị trí kiến trúc trên đây đã tìm thấy nhiều vật liệu xây dựng như gạch và ngói. Gạch xây thường làm bằng đất sét, luyện kỹ, màu đỏ tươi, đỏ vàng hoặc vàng đỏ, hình khối hộp chữ nhật. Nhiều viên có in trên mặt gạch dòng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên", nghĩa là gạch xây quân thành của Đại Việt. Ngói có rất nhiều loại, lợp nóc, lợp mái, ngói ống, ngói mũi lá, ngói mũi sen… Nhiều kiến trúc, nhiều kiểu gạch ngói chứng tỏ có rất nhiều kiến trúc khác nhau trong thành Hoa Lư. Điều đó cho thấy sự ghi chép của sử cũ về việc xây dựng nhiều cung điện ở kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Lê là xác thực. Không những nhiều về số lượng, các cứ liệu khảo cổ học còn cho thấy các kiến trúc đó được xây dựng rất công phu, rất đẹp. Gạch, ngói đều được chạm khắc, trang trí rồng, phượng, đầu thú…, nhất là hình tượng hoa sen có mặt ở khắp mọi nơi, chứng tỏ thời Đinh-Lê thấm đẫm ảnh hưởng nghệ thuật Phật giáo.
Vết tích kiến trúc thời Đinh - Lê còn gặp ở nhiều nơi khác như ở Đền thờ Vua Đinh, núi Rùa (thôn Vàng Ngọc). ở Đền thờ Vua Đinh đã tìm thấy dấu tích cung điện là các chân tảng và các móng trụ làm bằng đá hình vuông. Không chỉ có cung điện, Hoa Lư còn có kiến trúc chùa chiền, vết tích tìm thấy ở khu vực chùa Bà Ngô, chùa Phong Phú, chùa Nhất Trụ. Thăm dò chùa Nhất Trụ đã tìm thấy móng trụ vuông (1,3-1,3m), cao 1,75m được làm bằng đá và gỗ, cho thấy móng trụ kiến trúc thời Đinh-Lê ở Hoa Lư lớn như các kiến trúc thời Lý ở Kinh đô Thăng Long… Tuy nhiên, các vết tích trên đây mới chỉ được phát hiện trên một diện tích nhỏ hẹp, nếu có điều kiện khai quật lớn chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều dấu tích to đẹp nữa. Công cuộc xây dựng thành sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các ngành nghề thủ công như: Nghề mộc, nghề chạm khắc, trang trí; nghề nung gạch ngói… Trong các đợt khai quật còn tìm thấy hàng nghìn mảnh sành, mảnh gốm men Việt Nam, chứng tỏ nghề gốm cũng rất phát triển.
Có thể nói, tất cả những chứng cứ vật chất ở Hoa Lư thể hiện sự phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ độc lập tự chủ đầu tiên mang đậm bản sắc dân tộc. Việc xây dựng thành đã tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, tạo nét độc đáo hiếm gặp trên thế giới. Các loại vật liệu kiến trúc mang đậm nét sáng tạo riêng: Loại gạch lát lớn hình chữ nhật có 2 bông hoa sen mới chỉ thấy ở Hoa Lư, các kiểu hoa sen đều khác hoa sen Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên cùng thời. Hình tượng trang trí của Việt Nam ở thế kỷ X nói chung là cân xứng, đơn giản và vô cùng sống động, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Những viên gạch xây in quốc hiệu có 2 loại, một loại khuông chữ có gờ nổi, chữ "Quốc" viết đầy đủ; một loại khuông chữ không có gờ, chữ "Quốc" viết giản nét; loại gạch này có nhiều kích cỡ khác nhau và số lượng cũng không nhiều, mỗi vị trí kiến trúc chỉ có một số viên được cài vào đó tựa như một tuyên ngôn khẳng định chủ quyền dân tộc khi đất nước vừa thoát ra khỏi "nghìn năm Bắc thuộc". Việc ghi quốc hiệu trên gạch chỉ gặp ở Hoa Lư thế kỷ X, các thời trước và sau đó đều không có hiện tượng này. Đó cũng chính là nét văn hóa đặc sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam thế kỷ X.
Bảo Yến