Thế rồi nhân đợt Trường Trung cấp sư phạm Ninh Bình tổ chức cho giáo sinh đi gặt lúa chạy lụt giúp dân ở Nho Quan (6/1963) về, tôi đã cặm cụi viết một bài ngắn, chừng 500 chữ gửi cho báo về thành tích ấy. Thực tình chẳng hy vọng được đăng, vì nghĩ viết báo đâu phải là chuyện dễ, ai cũng có thể viết được đâu. Vậy mà tuần sau tòa soạn đã gửi cho một tờ. Tôi mừng rơn, đọc đi đọc lại. Bài đã được biên tập sửa sang gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ nội dung. Cả lớp truyền tay nhau xem và bàn tán như một sự kiện vui của lớp. Bài được đăng báo quả là một nguồn khích lệ mạnh mẽ đối với người viết và làm cho người viết thêm tự tin, mạnh dạn hơn.
Tôi bắt đầu làm một thông tín viên (TTV) của báo từ những dòng đầu tiên như vậy. Năm 1964 ra trường, về dạy học ở Gia Viễn tôi lại được Phòng Giáo dục huyện cử đi dự lớp bồi dưỡng TTV của báo. Dần dần tôi mạnh dạn hơn, viết các tin, bài cho báo Người giáo viên nhân dân (nay là Báo Giáo dục-Thời đại) và báo Thiếu niên tiền phong (TNTP). Bài vở dần được đăng nhiều, nhất là các tin, bài về hoạt động của trường, của địa phương. Năm 1970, ở Ninh Bình có tôi, nhà giáo Mai Ngọc Uyển và nhà giáo Đỗ Đăng Cao được báo chọn phát thẻ TTV của báo TNTP.
Ngày ấy báo chí rất coi trọng công tác TTV, CTV, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của báo (với những " Phóng viên không ăn lương", những " nhà báo thường trú tại địa phương" vì có tin, bài chân thực, kịp thời). Do đó hàng năm báo đều mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho TTV, CTV tập trung đến hàng tuần. Các nhà báo đến hướng dẫn nghiệp vụ hết sức cặn kẽ, tận tình, chu đáo về các thể loại, về yêu cầu của một bài báo và phẩm chất của nhà báo. Lại còn có những chuyên đề sâu về cách viết " Gương người tốt, việc tốt", " Người thực việc thực" và " Những gương điển hình tiên tiến"… Toàn những điều bổ ích, thiết thực và mới mẻ, nên ai cũng phấn chấn, tập trung học tập.
Đặc biệt trong những năm giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc XHCN, Báo vẫn duy trì được nếp mở các lớp bồi dưỡng ấy. Rồi những dịp đón xuân mới, báo cũng tổ chức được các buổi họp mặt TTV, CTV và đều có quà Tết chu đáo, dù chỉ là một quyển lịch tường hay một cuốn sổ tay mà anh em ai cũng rất cảm động. Nhiều anh em dần nắm chắc nghiệp vụ và tiến bộ nhanh.
Ngoài việc mở lớp bồi dưỡng, các nhà báo, ban biên tập còn thường có thư tay góp ý, động viên anh chị em và gửi nội dung hướng viết hàng quý tới từng người.
Lực lượng TTV, CTV lúc đó cũng khá đông đảo, đủ các tầng lớp, thành phần, lứa tuổi, nhưng nhiều hơn cả vẫn là đội ngũ giáo viên. Nhiều người đã trưởng thành, trở thành những nhà báo chuyên nghiệp, tiêu biểu như: TTV Nguyễn Tiến Lực (sau trở thành phóng viên của Báo Ninh Bình, rồi Trưởng phòng văn xã, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Ninh Bình); TTV Phùng Gia Mỹ, Trưởng Đài truyền thanh Gia Viễn, TTV Mai Ngọc Uyển (sau trở thành phóng viên báo TNTP, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).
Nay, trước tờ Báo Ninh Bình, lòng lại trào lên một niềm vui khôn tả. Vui vì thấy báo tiến bộ, đổi mới vượt bậc cả về nội dung và hình thức. Báo đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Vui vì đội ngũ nhà báo nay thật đông đảo, hùng hậu, nhiều nhà báo trẻ, nhiều nhà báo nữ giỏi giang, viết khỏe, viết hay. Báo cũng đã ra hàng ngày, khổ lớn, in mầu, chữ nét, trình bày đẹp, nội dung phong phú. Số Tết, số Xuân mấy chục trang, không kém gì nhiều tờ báo của Trung ương và các tỉnh bạn. Nhiều năm đi dự Hội Báo Xuân toàn quốc, Báo Ninh Bình đã được tặng giải cao. Hàng tuần lại có tờ Ninh Binh cuối tuần đậm đà sắc thái văn hóa, văn nghệ. Báo in số lượng lớn, phát hành rộng rãi, tặng đến từng đảng viên có nhiều năm tuổi Đảng.
Vậy mà đã 60 năm. Báo Ninh Bình đã bồi dưỡng anh em TTV chúng tôi từng bước trưởng thành. Chúng tôi thật vinh dự được góp một phần rất nhỏ vào sự trưởng thành của Báo và tự hào được làm TTV, CTV của Báo Ninh Bình.
Thanh Thản
Nguyên PCT Hội VHNT tỉnh Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình