Xuất ngoại dễ như…đi chợ
Một ngày nghỉ hiếm hoi do thời tiết mưa lạnh, chị Hà Thị Phương, ở thôn 7, xã Phú Long (Nho Quan) mới có thời gian ra vườn cắt luống rau ngót đã già cỗi. Chị Phương bảo, gia đình ăn không xuể, nhưng nhà vừa xa chợ, vừa không có thời gian đi bán thành ra rau cứ để già. Phần lớn thời gian trong ngày chị Phương đi làm thuê. Thôi thì trồng mía, trồng dứa, phơi gỗ… công việc thay đổi tùy từng thời điểm, mùa vụ. Ai thuê gì thì làm nấy, mỗi ngày cũng kiếm được 150 nghìn đồng để trang trải cuộc sống cho 4 thành viên, trong đó có hai cậu con trai đang tuổi đến trường. "Ruộng không có, mọi chi tiêu của cả gia đình phụ thuộc vào nguồn thu nhập bấp bênh từ làm thuê của cả hai vợ chồng. Có người thuê thì mới có thu nhập, vì vậy hai vợ chồng tôi không dám… ốm, làm quanh năm không nghỉ ngày nào"- chị Phương trải lòng.
Đầu năm 2019, chồng chị Phương là anh Phạm Văn Toàn đã quyết định bỏ việc làm thuê ở làng để theo một vài người trong thôn đi làm việc tại Trung Quốc. Trong số những người đi cùng anh Toàn đợt đó, có những người đã đi làm nhiều lần và trở thành chỗ dựa tinh thần cho những lao động mới như anh. Trong các cuộc điện thoại về cho gia đình, anh Toàn kể rằng, chỉ cần ra đến cửa khẩu Móng Cái đã có nhiều "cò" lao động chào đón. Những "cò" lao động này phần vì muốn giữ uy tín làm ăn lâu dài, phần vì tình đồng hương nên đều ra sức đảm bảo rằng sẽ tìm đúng việc, đúng công ty như lời giới thiệu và nguyện vọng của người lao động.
Lạ nước lạ cái, người lao động cũng chỉ biết giao niềm tin cho những người môi giới. Chị Phương chỉ biết công việc của chồng là cửu vạn, vận chuyển vật liệu xây dựng, với mức lương được hứa hẹn khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải tháng nào chồng chị cũng có tiền gửi về, nỗi lo sợ bị cảnh sát địa phương bắt vì nhập cảnh và lao động trái phép luôn thường trực. "Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi phần nào hiểu hơn về những nhọc nhằn, nguy hiểm, thậm chí còn phải đánh đổi cả mạng sống của lao động Việt Nam khi đi làm việc trái phép ở nước ngoài. Tôi đã bàn kỹ và thống nhất với chồng sẽ về nước vào tháng sau, dù rằng chúng tôi cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để cải thiện cuộc sống khó khăn trước mắt"- chị Phương thở dài.
Trên địa bàn tỉnh ta, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) là địa phương có đông lao động xuất khẩu "chui" sang Trung Quốc nhất. Có thời điểm, hàng trăm lao động của xã làm việc bên Trung Quốc. Thậm chí có thôn, hầu như nhà nào cũng có người sang Trung Quốc. Theo báo cáo của UBND xã Thạch Bình, 100% số lao động này nhập cảnh vào Trung Quốc bằng hình thức trái phép, và 99% trong số họ sang Trung Quốc bởi nhu cầu việc làm.
Ông Vũ Dũng, Công an xã Thạch Bình cho biết, khi nắm được thông tin trên địa bàn xã có tình trạng đi lao động bất hợp pháp, địa phương đã đến từng nhà đối tượng để vận động, phân tích để họ và gia đình hiểu tác hại của xuất cảnh trái phép, đồng thời tuyên truyền để họ nắm được chính sách về XKLĐ hợp pháp. Từ đó, tư vấn, định hướng cho họ lựa chọn thị trường lao động phù hợp. Nhờ đó, tình trạng đi XKLĐ trái phép đã có xu hướng giảm dần trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện vẫn có khoảng 30-40 lao động đang làm việc trái phép tại Trung Quốc.
Theo lý giải của những người đi XKLĐ "chui", sở dĩ họ vẫn mạo hiểm lựa chọn con đường này bởi họ được giới thiệu, chi phí để đi xuất khẩu thấp, thủ tục lại đơn giản, nhanh gọn hơn. Sang bên đó không có nhiều ràng buộc, khỏe thì làm mệt thì nghỉ, muốn đi đâu thì đi, làm việc gì thì làm... bởi thế mà hành trình: đi - bị bắt trả về rồi lại đi, lại bị trả về… vẫn cứ tiếp diễn. Mọi nỗ lực của địa phương vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi.
Nhiễu loạn thông tin về XKLĐ
Trở lại câu chuyện của chị Phương ở thôn 7, xã Phú Long (Nho Quan), sau khi được nghe tuyên truyền kỹ về những chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh Ninh Bình trong công tác XKLĐ, chị Phương phấn khởi lắm. Chị nói, trước đây, những thông tin về XKLĐ chúng tôi nghe được chủ yếu qua những người làm môi giới. Nay được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống thì tôi mở mang được nhiều. Con trai lớn của tôi đang muốn đi XKLĐ, vì vậy, gia đình tôi sẽ nhờ cơ quan chức năng tư vấn cho cháu về thị trường và hướng dẫn các thủ tục để đi XKLĐ hợp pháp trong thời gian tới.
Thiếu thông tin, hiểu biết đầy đủ về thị trường XKLĐ- đó là tình trạng của đa số những người lao động mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, nhất là các lao động ở vùng sâu, vùng xa. Bà Trần Thị Hải, cán bộ phụ trách Lao động, Thương binh và xã hội xã Phú Long cho biết, những năm qua, người dân Phú Long đã mạnh dạn lựa chọn con đường XKLĐ để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc tuyên truyền về XKLĐ ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế do đặc thù địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, hệ thống loa truyền thanh của xã thì không đáp ứng được yêu cầu… Trong khi đó, việc tổ chức những buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp từ những đơn vị đã được thẩm định, lựa chọn thực hiện chức năng đưa người đi XKLĐ hợp pháp thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy, khi người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu thường tin tưởng và dựa hoàn toàn vào chiếc bánh… vẽ của những người môi giới.
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Trọng Hồng ở thôn 3, Phú Long. Gia đình anh gửi gắm hoàn toàn tương lai của con trai cho một doanh nghiệp XKLĐ ở Hà Nội khi quyết định cho con đi du học nghề tại Nhật Bản với mức phí trên 300 triệu đồng. Hơn 1 năm con đi du học, song thực tế thì anh Hồng vẫn chưa nắm được con mình học nghề gì, thời hạn là bao lâu và tương lai sau khi tốt nghiệp sẽ thế nào. Niềm tin duy nhất đối với anh Hồng lúc này là: "Cũng không biết con học nghề gì, nhưng chắc chắn với tấm bằng ở nước ngoài thì vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn học ở trong nước". Cũng bằng con đường giới thiệu của những người làm môi giới XKLĐ, hiện nay, ở Phú Long có 12 lao động đã đi XKLĐ, tuy nhiên chỉ có 1 lao động đi theo doanh nghiệp do sự giới thiệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thực trạng lao động đi XKLĐ nhờ vào sự môi giới của "cò" lao động hoặc lời giới thiệu của người quen diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh ta. Theo đồng chí Bùi Sĩ Năng, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn - một đơn vị thực hiện khá tốt công tác XKLĐ cũng thừa nhận, số lao động đi xuất khẩu theo kênh của doanh nghiệp đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định và lựa chọn tham gia thực hiện Đề án đẩy mạnh công tác XKLĐ của tỉnh là rất ít. Còn lại, chủ yếu là người dân đi theo kênh do bạn bè, người thân giới thiệu.
Tất nhiên, mọi doanh nghiệp có đủ năng lực thì đều có quyền cạnh tranh bình đẳng trong việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nếu lựa chọn những doanh nghiệp không uy tín thì thiệt thòi thuộc về người lao động bởi trong trường hợp người lao động gặp phải những tai nạn trong quá trình làm việc tại nước ngoài cũng sẽ không có bảo hiểm hoặc không được tiền bồi thường từ doanh nghiệp. Không những vậy, việc lao động phá vỡ hợp đồng với công ty môi giới khiến họ trở thành lao động bất hợp pháp.
Như vậy, để XKLĐ thực sự là con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu hiệu quả thì người dân cần có sự sáng suốt khi lựa chọn doanh nghiệp mà mình gửi gắm cả giấc mơ đổi đời, nếu không sẽ vừa mất tiền và mất cả cơ hội. Tuy nhiên, để người lao động có đầy đủ thông tin chính thống làm cơ sở để đưa ra lựa chọn cuối cùng thì trách nhiệm ấy thuộc về chính quyền địa phương, các ngành chức năng và đặc biệt là của các doanh nghiệp đã được thẩm định, lựa chọn và cấp phép hoạt động trên địa bàn.
Bài, ảnh: Đào Hằng