P.V: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế biển của huyện Kim Sơn thời gian qua?
Đ/c Lê Thị Hoa: Kim Sơn có chiều dài bờ biển hơn 15 km với gần 7.000 ha vùng bãi bồi ven biển và Cồn Nổi, được chia thành 3 tiểu vùng. Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBND huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) như: Xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS vùng trong đê Bình Minh 2; các công trình phòng, chống lụt bão, nâng cấp đê biển Bình Minh 2, hàn khẩu đê biển Bình Minh 3, đường ĐT481; đầu tư hạ tầng thủy lợi, đường đến trung tâm các xã bãi ngang, đường giao thông vùng ven biển… Sản lượng thủy hải sản năm 2013 ước đạt 20.450 tấn, tăng 88 tấn so với năm 2012, trong đó sản lượng nuôi trồng là 16.450 tấn (Ngao 12.230 tấn, cua 310 tấn, tôm rảo, tôm các loại 567 tấn, hải sản khác 493 tấn); sản lượng khai thác là 4.000 tấn (nước lợ 2.200 tấn, nước mặn 1.500 tấn, nước ngọt 300 tấn). Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ven biển đạt 24%/năm, chiếm gần 30% giá trị sản xuất của huyện, góp phần đưa ngành thủy sản trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển của tỉnh và huyện Kim Sơn. Kinh tế biển phát triển không chỉ làm thay đổi tích cực đời sống nhân dân mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới biển.
P.V: Những khó khăn trong việc phát triển kinh tế biển hiện nay là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Thị Hoa: Khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, cũng như quy hoạch chi tiết nên ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như việc sử dụng đất đai và huy động các nguồn lực đầu tư các dự án để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng; người dân chưa thể yên tâm cho phương án sản xuất lâu dài. Khó khăn thứ hai là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây thời tiết có nhiều biến động lớn không theo quy luật của tự nhiên như: Nắng nóng, mưa lớn đột ngột, độ mặn của nước biển tăng cao đã gây khó khăn cho việc điều tiết nước ở vùng nuôi, ảnh hưởng tới phát triển nuôi trồng thủy sản. Khó khăn thứ 3 là về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng các công trình chưa đồng bộ, chưa tạo sự kết nối giữa vùng ven biển Kim Sơn với các vùng liên quan nên chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, tính cộng đồng của một số hộ nuôi trồng thủy sản chưa cao đã ảnh hưởng đến sản xuất. Khó khăn thứ 4 là việc cung ứng giống thủy sản chưa thực sự chủ động; do chưa có cơ sở chế biến thủy hải sản, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái nên giá trị sản phẩm của ngư dân còn thấp. Đánh bắt thủy sản xa bờ còn khó khăn về đầu tư phương tiện, kinh phí lớn, trong khi đó giá cả xăng - dầu tăng cao.
P.V: Để tiếp tục phát triển kinh tế vùng bãi bồi, thời gian tới Kim Sơn triển khai những giải pháp gì nhằm đưa nuôi trồng thủy sản vùng ven biển thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Đ/c Lê Thị Hoa: Trước hết, huyện bám sát chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia cũng như mục tiêu phát triển kinh tế biển của tỉnh theo Kết luận số 1012-TB/TU ngày 3-12-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển kinh tế biển, trong đó phát triển mạnh về công nghiệp (nhiệt điện, cảng biển, du lịch, thương mại, dịch vụ); phát triển đô thị gắn với vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển. Đẩy mạnh công tác trồng rừng chắn sóng; tăng cường công tác quản lý để bảo vệ môi trường vùng ven biển. Huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh sớm hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết vùng kinh tế biển, xây dựng vùng ven biển Kim Sơn thành khu kinh tế tổng hợp, hạ tầng đồng bộ; gắn phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần tăng GDP của tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Việc quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết vùng kinh tế biển là cơ sở quan trọng để xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất vừa có tính chiến lược lâu dài. Trong thời gian tới, huyện tập trung cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản như: Ngao, tôm, cua, cá... Đồng thời huy động các nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế để phân kỳ đầu tư theo Quy hoạch được phê duyệt để phát triển toàn diện các ngành, nghề biển; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, thực hiện một số dự án công nghiệp lớn nhằm khai thác triệt để về lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên và tạo động lực phát triển cho vùng. Theo đó, sẽ triển khai xây dựng một số công trình như: Nhà máy nhiệt điện (công suất dự kiến 1.200MW, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 USD); Nhà máy thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản... Kết hợp việc phát triển vùng ven biển, vùng biển với phát triển nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư xây dựng Trung tâm giống thủy sản hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu về giống cua, tôm; kết hợp đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp khác cùng với tạo môi trường sinh thái biển.
Quy hoạch đầu tư phát triển thị trấn Bình Minh trở thành đô thị động lực của vùng ven biển huyện Kim Sơn. Muốn vậy cần thiết phải có sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu kỹ tiềm năng cũng như lường đón diễn biến khí hậu, thời tiết để có định hướng và phương án thích hợp cho vùng bãi bồi ven biển cũng như vùng biển Kim Sơn.
Đối với những vị trí, khu vực bãi bồi đã ổn định phải đưa vào hệ thống bản đồ để theo dõi và quản lý đất đai, rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường, quản lý địa giới hành chính, đồng thời có cơ chế khuyến khích phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ vừa là mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác an ninh Quốc gia. Gắn chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển.
Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế biển; phổ biến khoa học kỹ thuật, kỹ năng nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, trồng, chăm sóc rừng, bảo vệ vùng đệm dự trữ sinh quyển vùng Đồng bằng sông Hồng. Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng kinh tế biển theo quy hoạch, nhằm khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững vùng bãi bồi ven biển và vùng biển của tỉnh.
Trong thời gian tới, Kim Sơn sẽ đẩy mạnh hợp tác với các địa phương ven biển, đặc biệt là các địa phương của các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… trong các lĩnh vực như: Vận tải biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển... nhằm tiếp thu tiến bộ khoa học và tranh thủ nguồn vốn, khai thác và sử dụng hợp lý vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn… Quyết tâm đưa kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Ngọc (Thực hiện)