Qua hơn hai tháng triển khai Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn đã có 5.049 khách hàng được vay vốn với tổng số tiền trên 1.600 tỷ đồng, số tiền lãi vay tính theo các hợp đồng tín dụng là trên 12,7 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ cho các khách hàng trên 3,8 tỷ đồng. Việc triển khai hỗ trợ lãi suất trên địa bàn đã nhận được sự đồng thuận của người dân và bước đầu phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đều phấn khởi đón nhận và đánh giá đây là chính sách rất kịp thời, có tác động thiết thực giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm kích thích tăng vốn đầu tư trung và dài hạn để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có khu vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 4-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 443/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các khoản vay ngân hàng trung và dài hạn của các tổ chức, cá nhân theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 1-4-2009 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2009 đến 31-12-2011, thuộc các ngành, lĩnh vực kinh tế, bao gồm: Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp; thủy sản; công nghiệp khai thác mỏ; công nghiệp chế biến; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước; xây dựng, thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình…
Mới đây, ngày 17-4-2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 497/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất 100% và 4% đối với các khoản vay ngân hàng ngắn hạn, trung hạn của các tổ chức, cá nhân vay để mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Điều này không những "tiếp thêm sức" cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh giải quyết khó khăn trước mắt để có thêm điều kiện vực dậy sản xuất, qua đó giải quyết việc làm, tạo thu nhập, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm kinh tế, mà về lâu dài còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh, đón đầu cơ hội bứt phá khi kinh tế thế giới phục hồi.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ kéo dài thời gian giao dịch với khách hàng, qua nhiều khâu kiểm soát chứng từ trước, trong và sau khi khách hàng rút vốn, vì vậy khối lượng công việc của các ngân hàng tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã khắc phục mọi khó khó khăn đẩy nhanh triển khai hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn, bảo đảm công khai, rõ ràng và đúng quy định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp và hộ sản xuất hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bị thu hẹp và khả năng thiết lập các dự án khả thi để vay vốn đầu tư trung, dài hạn có nhiều hạn chế. Bởi vậy, điều kiện hấp thụ vốn ngân hàng sẽ gặp không ít khó khăn. Ngành Ngân hàng cũng như các ngành liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng "tiếp cận" nguồn vốn ưu đãi, nhưng hiệu quả sử dụng ra sao lại phụ thuộc vào cả một quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực hiện nay của ngân hàng trong việc tạo thuận lợi tối đa để đồng vốn đến với doanh nghiệp còn cần tới sự nỗ lực của các ngành và địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về tiêu thụ hàng hóa, cơ chế đầu tư, thủ tục hành chính, thuế, hải quan… nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định và từng bước phát triển.
Tin rằng, với sự phối hợp hiệu quả giữa ngân hàng với các ngành, các địa phương và doanh nghiệp thì chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chống suy giảm kinh tế.
Quốc Khang