Ban Quản lý khu du lịch xác định, Di sản Văn hóa, thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng và ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương. Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình - điểm đến an toàn thân thiện trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Mỗi năm, Quần thể danh thắng Tràng An đón hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan. Lượng khách đông dẫn đến việc phát sinh lượng rác thải và đặc biệt là rác thải nhựa trên các tuyến đường, tại các điểm tham quan nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An. Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố.
Đây cũng là những khó khăn trong quản lý, điều hành công tác an ninh trật tự, đặc biệt là vệ sinh môi trường ở các điểm. Trước những nguy cơ về ô nhiễm môi trường sinh thái, Ban quản lý thành lập các tổ giữ gìn vệ sinh môi trường, như tổ quét dọn vệ sinh trên trục đường Tràng An, tổ cắt tỉa cây, trồng hoa và hàng chục tổ chèo đò.
Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Hoàng Thu Hường, Phó Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết: Thời gian qua, Ban quản lý đã tích cực tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân viên về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Tại các quầy bán vé, bến xe, nhà hàng, khách sạn… đều được đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa… nhằm kêu gọi, hướng dẫn khách du lịch cùng nhau chung tay tham gia bảo vệ môi trường.
Hiện Quần thể danh thắng Tràng An có trên 1.500 số đò với khoảng 1.300 lao động làm nghề lái đò phục vụ khách. Đây là nguồn nhân lực thường xuyên đưa khách đi, đón khách về ở các tuyến hành trình trong lòng Tràng An. Vì vậy, mỗi lái đò ở đây còn kiêm luôn nhân viên vệ sinh môi trường. Chúng ta đã biết đến với Tràng An là phải ngồi thuyền xuyên thủy động.
Điều này đồng nghĩa với việc là khách phải ngồi trên thuyền hàng giờ đồng hồ, khi tham quan, du khách thường mang theo đồ ăn, thức uống…, nhiều người dùng xong tiện tay vứt rác ra sông. Để khắc phục tình trạng này, khi du khách lên thuyền đều được các lái đò nhắc nhở trong suốt hành trình bỏ rác gọn vào thuyền.
Chị Hà Thị Hoa, xã Trường Yên (Hoa Lư) đang làm việc ở tổ chèo đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An chia sẻ: Trước khi nhận số đò, tôi được học các lớp tập huấn cả lý thuyết và thực hành, sát hạch về nghiệp vụ, trong đó có cả công tác giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Với lượng rác sau mỗi hành trình của du khách kết thúc tham quan, mỗi lái đò phải thu gom rác, sau đó phân loại và cho vào các thùng rác có nắp đậy để đưa đi xử lý.
Được biết, thời gian qua, ngành Du lịch đã ban hành các văn bản yêu cầu ban quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đồng loạt triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường như: Tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân viên về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng ống hút, cốc… bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần.
Hạn chế sử dụng túi ni-lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần và các sản phẩm khó phân hủy nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch phải thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định.
Đồng chí Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ thành công Hồ sơ Di sản, tuy nhiên, để gìn giữ và trao truyền Di sản cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhất là cộng đồng dân cư trong khu Di sản.
Hàng năm, Ban quản lý phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch tổ chức tập huấn từ 2 đến 3 đợt (mỗi đợt từ 200- 250 người) là các cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương được tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp lý, quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, về công tác quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Nhờ tích cực trong công tác tuyên truyền, làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch từ những nhà quản lý cho đến các cơ sở kinh doanh và du khách nên nhiều năm qua, Di sản luôn là điểm đến hấp dẫn về du lịch do gìn giữ được những nét đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái.
Có thể khẳng định, sau hơn 5 năm được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản đã thu được kết quả tích cực. Các giá trị nổi bật toàn cầu được tôn trọng và gìn giữ, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị Di sản của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp trong quản lý Di sản ngày một chặt chẽ. Cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái, các di tích lịch sử, văn hóa được bảo vệ tốt. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo và duy trì.
Nguyễn Minh