Mưa lũ đi qua để lại hậu quả nặng nề cho khúc ruột miền Trung. Nhiều người chết, bị thương, mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng, nhiều đàn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, vùi lấp… Cùng với nghị lực vượt khó của người miền Trung, nhân dân cả nước cũng đã và đang sát cánh động viên, chia sẻ với đồng bào bằng những việc làm thiết thực, tạo nên nét đẹp về tinh thần "tương thân tương ái" trong cộng đồng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều việc phải làm để những nghĩa cử trao đi được vẹn tròn ý nghĩa.
Để tấm lòng trao đi được vẹn tròn ý nghĩa
Là người rất nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, bởi vậy khi chứng kiến những hình ảnh bị mưa lũ tàn phá nặng nề ở các tỉnh miền Trung, anh Phạm Văn Thơ, Chủ nhà hàng Tre Việt New (thành phố Ninh Bình) quyết định trích tiền cá nhân để mua sắm các mặt hàng thiết yếu, thực hiện chuyến đi chia sẻ với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ.
Việc đầu tiên anh Thơ làm trước mỗi chuyến đi thiện nguyện, như thường lệ là liên hệ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh để nhờ tổ chức kết nối với những điểm mà anh sắp đi tới, đồng thời tham khảo việc lựa chọn mặt hàng thiết yếu thực sự thiết thực với đồng bào vùng lũ.
Anh Thơ chia sẻ: "Đa số người dân đều muốn được tận tay trao quà cho đồng bào miền Trung. Tuy nhiên, nếu không biết rõ địa hình, không kết nối với địa phương để nắm được các đối tượng cần hỗ trợ thì chuyến đi sẽ rất vất vả mà hiệu quả lại có mức độ. Đây là kinh nghiệm được tôi tự đúc rút trong nhiều năm đi làm thiện nguyện. Vì thế, trước mỗi chuyến đi, tôi đều liên hệ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh để nhờ kết nối. Lần này, thật may khi trùng thời điểm đoàn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đưa hàng hỗ trợ vào miền Trung. Vì thế, tôi đã xin tham gia cùng đoàn. Đó là một trải nghiệm cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm"- anh Thơ chia sẻ.
Một trong những điểm đến mà anh Phạm Văn Thơ và đoàn tìm đến là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Toàn trường có 185 học sinh, phần lớn là dân tộc Bru-Vân Kiều. Học sinh được học tập tại 3 điểm trường, mỗi điểm cách nhau 3 km, trong đó có 2 điểm lẻ đặt tại bản An Bai và bản Khe Khế.
Đảm nhận nhiệm vụ tại trường học này có 28 cán bộ, giáo viên, đa số các giáo viên, nhân viên có gia đình ở vùng bị ngập lụt. Trừ điểm chính của nhà trường nằm ở vị trí cao nên không bị lụt, còn lại những điểm trường xa ở các bản đều chìm trong nước lũ. Trên 100 học sinh phải ở lại điểm trường chính vì gia đình cũng đang bị ngập nước.
Nắm rõ hoàn cảnh của thầy và trò nhà trường, đoàn thiện nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình và anh Phạm Văn Thơ đã chuẩn bị chu đáo từng phần quà, trong đó có những hàng hóa phù hợp với nhu cầu hiện tại của những người đang gặp khó khăn. "Gạo và sách vở là hai mặt hàng chủ đạo được đoàn trao tặng đến thầy và trò nhà trường. Đã qua giai đoạn cần những thực phẩm ăn liền, bởi vậy, những lương thực có thể để sử dụng lâu dài như gạo là hết sức cần thiết"- anh Thơ cho biết.
Đoàn thiện nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh gửi quà cho nhân dân vùng lũ thông qua Hội chữ thập đỏ địa phương.
Chia sẻ về cuộc hành tình vận chuyển hàng hóa vào hỗ trợ đồng bào ở 5 tỉnh miền Trung, ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Hiện nay, nước đã rút nhiều, chỉ còn vài xã bị lụt nhưng mực nước cũng đã xuống thấp. Nhân dân các tỉnh miền Trung đang nỗ lực ổn định cuộc sống sau lũ.
Nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung, những đoàn xe cứu trợ của các nhóm, hội từ thiện ở khắp nơi vẫn đổ về, mang theo nhiều hàng hóa và cả tình cảm của đồng bào cả nước dành cho khúc ruột miền Trung. Tuy nhiên, thực tế có không ít đoàn thiện nguyện đi tự phát mà không có sự kết nối với những tổ chức, đoàn thể ở các địa phương nên việc tiếp cận và trao quà hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể gây mất an toàn cho chính các thành viên tham gia trong đoàn đi cứu trợ.
Trên thực tế, việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là cứu trợ khẩn cấp trong thời điểm xảy ra lũ lụt và giai đoạn hỗ trợ sau lũ. Ở thời điểm cứu trợ khẩn cấp, lúc này cần nhất vẫn là lực lượng chức năng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, đồng thời tiếp tế cho họ những nhu yếu phẩm thiết yếu để duy trì sự sống như thực phẩm ăn liền, nước lọc…
Tuy nhiên, vượt qua chặng đường khá gian nan, thậm chí nguy hiểm, rất đông các đoàn thiện nguyện đã chở lương thực, thực phẩm vào cứu trợ cho đồng bào. Nhưng việc đi tự phát, có đoàn chưa hiểu rõ địa hình nên khó khăn trong tiếp cận, thậm chí có thể gặp nguy hiểm, vô hình chung làm tăng áp lực lên chính quyền sở tại. Việc không có thông tin và hạn chế khả năng tiếp cận với bà con vùng thực sự khó khăn sẽ dẫn đến việc cứu trợ nơi thừa, nơi thiếu.
Còn ở thời điểm hiện tại, nhân dân vùng lũ đã qua giai đoạn cần cứu trợ khẩn cấp. Bởi thế, những thực phẩm ăn liền như mỳ tôm, bánh chưng, giò chả… không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, sau hành trình dài và điều kiện bảo quản gặp khó khăn nên chất lượng của những thực phẩm này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Hiện nay, đang vào giai đoạn trợ giúp sau lũ, thứ mà người dân vùng lũ cần hỗ trợ- nếu có thể, đó là lương thực có thể để lâu, là tiền để sửa chữa nhà ở và nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế khác, giúp họ chuẩn bị cho một sự khởi đầu mới.
Để mỗi tấm lòng trao đi đến được đúng các đối tượng, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống thì việc có đầy đủ thông tin về địa phương, về các đối tượng gặp khó khăn trước mỗi chuyến đi thiện nguyện là rất quan trọng.
Từ đầu đợt mưa lũ đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã giới thiệu gần 30 đoàn thiện nguyện vào trao quà cho đồng bào các tỉnh miền Trung. Khi có giấy giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nghĩa là các đoàn thiện nguyện đã được chắp nối, liên hệ với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể ở các địa phương để có được danh sách đối tượng tặng quà, các loại hàng hóa thực sự phù hợp với nhu cầu của người nhận hỗ trợ và được chính quyền các địa phương phối hợp thực hiện trao quà cho đúng đối tượng cần giúp đỡ.