Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những mục tiêu trọng tâm trong sản xuất vụ mùa năm nay của Ninh Bình? Ông Lã Quốc Tuấn: Vụ mùa 2015 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 42.000 ha cây trồng các loại, trong đó: cây lúa 38.348 ha, đậu tương 350 ha, lạc 600 ha, ngô 1850 ha, rau các loại 1.700 ha…
Mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Chuyển đổi diện tích cấy lúa khó khăn, năng suất thấp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc cấy lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng. Tập trung thâm canh để đảm bảo năng suất và sản lượng các cây trồng; tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất.
PV: Vụ mùa năm nay có những thuận lợi và khó khăn cơ bản nào?
Ông Lã Quốc Tuấn: Hiện nay bà con nông dân đang tiếp tục đón nhận những thuận lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của nhà nước, của tỉnh như: Nghị định 35 ngày 13-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án số 08 của UBND tỉnh về khuyến nông hỗ trợ sản xuất vụ đông giai đoạn 2011-2015…
Kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cơ giới hóa một số khâu sản xuất như máy gặt, máy sấy. Chương trình giống, khuyến nông, các chương trình kinh tế xã hội khác đã và đang tạo điều kiện tích cực cho sản xuất phát triển.
Bên cạnh đó công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện triển khai sản xuất của các cấp, các ngành đã có nhiều kinh nghiệm, nhận thức của người dân được nâng lên, tích cực và chủ động trong sản xuất. Lúa đông xuân được mùa đạt năng suất cao, thu hoạch tập trung, nhanh gọn tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất vụ mùa.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì sản xuất vụ mùa 2015 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ninh Bình, nền nhiệt trung bình năm nay sẽ cao hơn trung bình năm ngoái từ 1 - 1,5 độ C.
Lượng mưa thiếu hụt và hạn hán sẽ khốc liệt hơn. Bão và áp thấp sẽ có những diễn biến phức tạp và khó lường, lũ trên các sông xuất hiện nhiều hơn, mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây ngập úng nghiêm trọng ở các vùng trũng…
Tất cả các dự báo này đều là những bất lợi rất lớn cho sản xuất vụ mùa. Ngay thời điểm hiện tại, do nắng hạn đầu vụ kéo dài, toàn tỉnh đang có khoảng 1.800 ha đất lúa thiếu nước sản xuất, tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan.
Bên cạnh những khó khăn chính do thời tiết thì giá nông sản không cao, công lao động trong nông nghiệp tăng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư thâm canh của người dân. Diễn biến của một số đối tượng sâu bệnh gây hại phức tạp, quy mô, mức độ gây hại rộng cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất các cây trồng.
PV: Từ những khó khăn và thách thức trên, để đảm bảo sản xuất vụ mùa an toàn, thắng lợi ngành nông nghiệp đã có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Lã Quốc Tuấn: Thực tế cho thấy, mặc dù đối mặt với nhiều bất lợi nhưng nếu chúng ta chủ động, tiên lượng được tình hình, chỉ đạo sớm, quyết liệt thì vụ mùa vẫn có thể giành thắng lợi.
Qua theo dõi nhiều năm gần đây, trà mùa sớm an toàn và cho năng suất cao, ổn định hơn do vậy chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT là khuyến cáo các địa phương mở rộng diện tích trà này để hạn chế thiệt hại so mưa bão, sâu bệnh cuối vụ và đảm bảo quỹ đất sản xuất cây vụ đông ưa ấm, nhóm cây rau màu có giá kinh tế cao.
Thời tiết vụ mùa diễn biến phức tạp, dự báo mưa với cường độ cao nên Sở cũng đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án tiêu nước. Tổ thủy nông, HTX chủ động sớm trong việc khơi thông mương máng, vớt bèo bồng trên các trục sông tiêu, đầu các cống tiêu lớn, kiểm tra vận hành hệ thống điều khiển cống tiêu, các máy bơm tiêu úng, kể cả chuẩn bị hệ thống máy dầu dã chiến... đảm bảo tốt năng lực tưới và tiêu úng nhanh nhất.
Bên cạnh đó, có phương án dự phòng mạ cho khoảng 10% diện tích cấy và 20% giống ngắn ngày đề phòng lụt, úng làm mất lúa mới cấy.
Chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật thâm canh, đẩy nhanh tiến độ làm đất đảm bảo kỹ thuật để phục vụ sản xuất kịp thời. Tập trung gieo cấy nhanh gọn các trà lúa trong thời vụ tốt nhất, toàn tỉnh phấn đấu kết thúc gieo cấy xong trước 20-7.
Tổ chức điều tiết nước, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện cho các cây trồng vụ mùa sinh trưởng phát triển thuận lợi. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có các biện pháp ứng phó kịp thời những diễn biến xấu do thời tiết gây ra. Tính đến ngày 24-6, toàn tỉnh đã cày lật đất được 33.352 ha; diện tích làm đất được cấy 8.252 ha; diện tích đã gieo cấy 3.630 ha, trong đó có 1.420 ha gieo thẳng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Lựu (thực hiện)