Tại một số huyện như: Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô…. được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể, người dân đã mở rộng đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung ở quy mô gia trại, trang trại, từng bước đưa nông nghiệp phát triển theo quy mô hàng hóa.
Tuy nhiên, chăn nuôi cũng là một ngành chứa đựng nhiều rủi ro, trong mấy năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện một số đợt dịch bệnh như: lợn tai xanh, cúm H5N1, lở mồm long móng…. gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân. Cá biệt như đợt dịch lợn tai xanh năm 2008 đã "xóa sổ" toàn bộ đàn lợn hàng nghìn con tại thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhất huyện Yên Mô.
Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường đang là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng. Chính vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong năm 2011, ngành Nông nghiệp cần phải đúc rút các bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ để quản lý và phát triển chăn nuôi bền vững. Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đa số vẫn là hộ gia đình và các gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ, hầu hết chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh an toàn dịch bệnh. Thực tế cho thấy, dịch lợn tai xanh xảy ra chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, sau đó lây lan và phát triển nhanh chóng. Do đó, muốn phát triển chăn nuôi bền vững, sản xuất tập trung, chuyên nghiệp thì khâu đầu tiên là phải định hướng cho người nông dân từng bước chuyển đổi hình thức chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Bên cạnh các cơ sở tập trung, ngành nông nghiệp phải hướng dẫn và quản lý tốt các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vốn còn rất phổ biến trong nông thôn tỉnh ta và cùng góp phần tích cực vào kết quả chăn nuôi chung. Kinh nghiệm các năm qua cho thấy, nhiều trại chăn nuôi lợn tập trung ở các huyện Yên Khánh, Nho Quan do áp dụng các quy trình chăn nuôi và biện pháp thú y nghiêm ngặt, nên đàn lợn hàng nghìn con vẫn an toàn. Nguyên nhân chính là có hệ thống chuồng trại xây dựng xa khu dân cư, có tường cao bao quanh, thu gom rác thải, vệ sinh chuồng trại hằng ngày, xử lý chất thải bằng nhiều cách (ủ phân, xây hầm bi-ô-ga, ao lắng, lọc, ao sinh học...), tránh cho gia súc bị bệnh tật, còi cọc, không mắc các bệnh truyền nhiễm...
Cùng với đó, ngay từ khâu sản xuất, tiếp nhận giống vật nuôi cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh. Lựa chọn những con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất giống đã được cấp phép hoạt động. Đối với những địa phương đã từng xảy ra dịch bệnh thì phải áp dụng các biện pháp triệt để tiêu diệt hết mầm bệnh, triệt tiêu mầm bệnh lưu trú từ năm trước sang năm sau, ngăn chặn không cho mầm bệnh từ địa phương ngoài lọt vào nơi chăn nuôi. Tổ chức tốt công tác kiểm dịch động vật, nắm bắt các luồng lưu thông gia súc trên địa bàn. Kiểm soát gia súc khi đưa vào giết mổ. Công tác phòng bệnh phải được duy trì thường xuyên thông qua các biện pháp như bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; tiêm phòng định kỳ một số loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, lở mồng long móng gia súc, bệnh tai xanh ở đàn lợn… Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là trách nhiệm của người chăn nuôi, đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành thú y và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp. Vì vậy, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh, có ý thức phòng bệnh ngay cả khi đã hết dịch. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác thú y ở cơ sở cũng cần được tăng cường về mọi mặt, làm tốt công tác hỗ trợ người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Quốc Khang