Ninh Bình hiện đang sở hữu một khối lượng dày đặc hệ thống các di sản với gần 800 di tích và hơn 300 di sản phi vật thể, trong đó nổi bật và được nhiều người biết đến là Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư… Đây là cơ hội cho những ai yêu quý lịch sử vùng đất và con người Ninh Bình tìm hiểu những giá trị cội nguồn của quê hương, dân tộc. Thông qua tài liệu, sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, những giá trị về lịch sử, về khảo cổ học, những câu chuyện về lịch sử đã đến được với nhiều người yêu lịch sử và luôn có mong muốn tìm hiểu về lịch sử.
Ngay tại Ninh Bình, đã có nhiều cuốn sách được xuất bản bởi sự đầu tư nghiêm túc, công phu của các nhà nghiên cứu lịch sử, những người say mê tìm hiểu lịch sử quê nhà như: "Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê", "Thắng tích Cố đô Hoa Lư và những huyền thoại", "Cố đô Hoa Lư", "Bồng châu, văn hóa và sự tích", "Gia Viễn lịch sử và văn hóa"… Đây là những cuốn sách được nhiều người có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử quê hương tìm đọc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những cuốn sách này.
Cô giáo Đinh Thị Thanh Dung, giáo viên dạy môn Sử Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy được cho biết: Học sinh bây giờ rất thực tế trong việc học. Như môn Lịch sử, nếu như em nào thi khối C, các trường thuộc khối xã hội thì mới có sự đầu tư nghiêm túc. Còn lại không có sự say mê, tìm tòi tư liệu lịch sử để mở mang thêm kiến thức. Ngay trong phần lịch sử địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng xuất bản cuốn sách giới thiệu về lịch sử địa phương, nhưng chỉ là những nét khái quát, số tiết dạy lại ít nên giáo viên cũng chưa thể cung cấp thêm hoặc đầy đủ hơn về lịch sử quê hương vì còn liên quan đến các tiết dạy. Bên cạnh đó, việc học và dạy Sử chủ yếu ở trên lớp, chưa có việc tổ chức tham quan thực tế tại các di tích lịch sử… cũng là nguyên nhân khiến lịch sử quê nhà chưa được nhiều học sinh nhớ.
Với đối tượng học sinh đang học THCS, THPT do đang học Sử nên còn có chút kiến thức về lịch sử quê hương. Nhưng với lớp trẻ hiện nay, nhất là đối với những người xa sách vở đã lâu thì lịch sử Ninh Bình nói riêng, lịch sử nước nhà nói chung… còn nhớ không kỹ, có khi nhầm lẫn vua triều đại này với triều đại kia. Thậm chí, không thể nhớ tên chính xác một vị vua, vị tướng khi được hỏi…
Ông Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho biết: Phần lớn những cuốn sách viết về lịch sử Ninh Bình đều là những cuốn sách viết về một sự kiện, một triều đại, chủ yếu là các công trình, bài viết đơn lẻ. Còn những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử Ninh Bình một cách có hệ thống xuyên suốt kiểu như "thông sử' thì cho đến nay chưa có.
Ông Trương Đình Tưởng đã từng tham gia viết và biên soạn cuốn sách về lịch sử địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo mời. Theo đánh giá của cá nhân ông, cuốn sách tuy đề cập toàn bộ quá trình lịch sử vùng đất, con người Ninh Bình nhưng do phạm vi giới hạn nên chỉ đề cập một cách chung chung.
Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử và là người có nhiều cuốn sách về lịch sử Ninh Bình được xuất bản, theo ông Trương Đình Tưởng, cần có sự quan tâm hơn đến việc hình thành cuốn sách về lịch sử Ninh Bình để làm tư liệu giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống, cội nguồn một cách đầy đủ, kỹ càng. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, sự quan tâm sát sao của tỉnh, của những người có trách nhiệm và tâm huyết với lịch sử.
Đầu năm 2003, Hội Khoa học lịch sử tỉnh chính thức ra mắt với 75 hội viên là những cá nhân có hoạt động trong ngành khoa học lịch sử và các ngành có liên quan mật thiết với khoa học lịch sử. Thông qua các hoạt động chuyên môn: học tập, giáo dục, nghiên cứu về lịch sử, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa…, Hội sẽ góp phần đưa lịch sử Ninh Bình đến với người dân.
Cùng với hoạt động của Hội Khoa học lịch sử, ngành văn hóa cần quan tâm biên soạn những nội dung tuyên truyền về lịch sử thông qua các hình thức như: sách, báo, tranh ảnh, phim tài liệu…
Ngành Giáo dục - đào tạo và Đoàn thanh niên nên có sự phối hợp tổ chức thường xuyên, định kỳ các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử nhân các sự kiện, ngày kỷ niệm gắn với các địa danh, di tích của địa phương…
Bùi Diệu